Những bất đồng cơ bản khiến doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động trẻ không có tiếng nói chung ngay từ buổi giao tiếp đầu tiên.

 


Ông Lê Thành Dũng – Giám đốc Công ty cho biết, để đón đầu các cơ hội phát triển ngành hàng may mặc khi Việt Nam chính thức tham gia TPP, đơn vị vừa tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất thêm hơn 30.000 m2 xưởng sản xuất và thị trường tiêu thụ ở nhiều nước nên rất cần lao động đã qua đào tạo vào các vị trí việc làm quản lý, thiết kế, tổ chức chuyền may, kỹ thuật cơ điện và quản lý kho….

Do thiếu lượng lao động được đào tạo chuyên ngành nên đến nay, công ty vẫn phải sử dụng công nhân có kinh nghiệm vào vị trí quản lý nhưng không đáp ứng yêu cầu do họ thiếu hẳn trình độ kỹ thuật cơ bản mà ông gọi là cái đầu đại học.

“Một số tổ trưởng may do chúng tôi không tuyển được người có trình độ Cao đẳng với Đại học về công nghiệp may phải sắp xếp, bố trí công nhân lâu năm lên tổ trưởng. Những người này họ có kinh nghiệm, có nhiệt tình nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn nên chỉ có thể giải quyết vấn đề, sự cố đến một mức độ nhất định”, ông Dũng chia sẻ.

Bà Trần Thị Anh Thi – Đại diện đơn vị tuyển dụng (công ty iCare Benefits Việt Nam) thì cho rằng, rêng thị trường Cần Thơ khi chỉ cần tuyển 10 người nhưng trong vòng 1 tháng không tuyển được 1 người. Đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực là câu chuyện hết sức đau đầu.

Riêng khu công nghiệp Trà Nóc đang triển khai dự án vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại quận Ô Môn có diện tích 200 ha với nhu cầu lao động kỹ thuật cao khá lớn. Tình hình thu hút lao động tại các khu công nghiệp này thường xuyên gặp khó.

Lực lượng lao động đã qua đào tạo luôn thiếu, nhưng sinh viên Cao đẳng, Đại học ở khu vực ĐBSCL sau khi tốt nghiệp lại thường xuyên đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Thành phố Cần Thơ là nơi tập trung đông nhất lực lượng lao động các tỉnh trong khu vực về tìm việc làm, nhưng chính lao động tại chỗ cũng khó tìm việc dẫn tới tâm lý chung là e ngại đầu tư cho con em theo học chuyên nghiệp.

Ông Hồ Thanh Tâm ở khu vực Thới Bình, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ có con đã học xong cao đẳng nghề 2 năm nay, nhưng không xin được việc làm phù hợp nên đi làm công nhân khuân vác.

“Xin việc làm hiện nay rất khó. Sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin cũng thất nghiệp. Nơi tuyển dụng yêu cầu phải có kinh nghiệp làm việc 6 tháng hoặc 1 năm người ta mới nhận, cứ không có nơi tuyển dụng thì sinh viên làm sao có kinh nghiệm?”, ông Tâm lo lắng cho biết.

Thống kê mới đây của Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Cần Thơ cho thấy, 9 tháng đầu năm, có hơn 620 lượt doanh nghiệp của các địa phương ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và TP HCM đăng ký cần tuyển dụng gần 10.800 chỗ làm việc trống. Nhưng trung tâm mới chỉ kết nối đạt mức sơ tuyển được hơn 3.000 ứng viên cho hơn 280 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ chưa tới 30%. Trong đó các nhóm ngành kinh doanh, kinh tế học, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử - viễn thông và công nghệ kỹ thuật cơ khí…hầu như không có nguồn dự tuyển.

Bà Võ Minh Châu – Đại diện đơn vị tuyển dụng (công ty công nghiệp Tân Á sản xuất bao bì carton rợn sóng, cơ sở chính tại TP HCM và có chi nhánh tại tỉnh Sóc Trăng) cho biết những bất đồng cơ bản khiến nhà tuyển dụng và người lao động trẻ không có tiếng nói chung ngay từ buổi giao tiếp đầu tiên.

“Đa phần các bạn sinh viên mới tốt nghiệp đều không nắm chắc chuyên môn cụ thể, lại thiếu kỹ năng giao tiếp. Sinh viên cần thiết phải được đào tạo về những kỹ năng sau khi ra trường như cách tiếp xúc, kĩ năng phỏng vấn…nhiều em đi phỏng vấn nhưng không hiểu được định hướng công việc”, bà Châu chỉ rõ.

Thiếu kỹ năng thể hiện khiến người lao động mất cơ hội việc làm ngay từ khi chưa bắt đầu công việc, thậm chí có việc rồi, nhiều lao động vẫn trở lại thất nghiệp do năng suất thấp kéo theo thu nhập thấp.

Vừa có trình độ kỹ thuật theo chương trình đào tạo, vừa được trang bị thêm kỹ năng để có kinh nghiệm và năng xuất lao động cao là lời giải cho bất cập giữa cung và cầu lao động ở khu vực ĐBSCL trong điều kiện phát triển hội nhập hiện nay./.
 

Theo Lệ Hoa/VOV

.