Chuyện những con tàu vỏ thép hoen gỉ, hỏng hóc giờ thì đã rõ nguyên nhân là nhà máy đóng tàu dùng thép Trung Quốc thay cho thép Nhật, Hàn, máy móc không chính hãng,...
|
Nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định mới đóng đã hỏng. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Những kết luận từ cơ quan kiểm định đã phơi bày sự dối trá, lấp liếm bằng những nguyên nhân như “nước biển quá mặn” hoặc “ngư dân không biết vận hành”.
Một lãnh đạo tỉnh Bình Định không chịu nổi sự đổ lỗi này đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chính: “Đừng lợi dụng sự thật thà, thiếu hiểu biết của ngư dân mà làm điều vô đạo đức”.
Nguyên nhân chính là ở đây: Đạo đức kinh doanh. Nhưng, không chỉ dừng lại ở đó, những người “làm điều vô đạo đức” trong kinh doanh tiếp tục hành xử thiếu văn hóa với những “bị hại” của họ bằng cách “đi đêm”, đút tiền để những ngư dân “thật thà, thiếu hiểu biết” này rút đơn kiện họ.
Tưởng như họ đã thành công với việc “đi đêm” này, song, 7 trường hợp nhận tiền và rút đơn thì chỉ sau một đêm đã tỉnh ngộ, có 6 người không rút đơn nữa.
Mong rằng, những ai bị các ông chủ đóng tàu này “đi đêm” để lấp liếm sự thật cũng sớm tỉnh ngộ như các ngư dân thật thà kia!
Không phải chỉ có những ngư dân thật thà, thiếu hiểu biết mới là nạn nhân của sự vô đạo đức trong kinh doanh. Các thị dân hiểu biết, nhanh nhạy, có tiền cũng bị lừa bởi các nhà kinh doanh địa ốc.
Chuyện căng băng rôn phản đối nhà đầu tư, xây dựng ở những chung cư cao cấp bây giờ xảy ra như cơm bữa. Những căn hộ sang trọng sớm bị lở trần, bong sơn, diện tích bị thu hẹp, các điều khoản cam kết trong hợp đồng không được đảm bảo, các dịch vụ cung cấp hời hợt, giá cả trên trời, nước sạch sinh hoạt thiếu trong khi hầm để xe biến thành ao, sân chơi của trẻ em bị chiếm dụng cho thuê kinh doanh…
“Cuộc chiến chung cư” còn kéo dài bởi chẳng có một biện pháp chế tài nào đối với các nhà kinh doanh vô đạo đức cả. Ở các lĩnh vực khác như bảo hiểm, bảo hành,... thỉnh thoảng lại rộ lên một vụ “quỵt tiền” hoặc “quỵt trách nhiệm” khiến dư luận phẫn nộ.
Đáng nói nhất là thói vô đạo trong kinh doanh bán hàng đa cấp, khuyến khích người ta lừa lẫn nhau và chủ yếu là lừa những người thân của mình.
Đạo lý kinh doanh truyền thống không dung thói vô đạo đức “Bán hàng ăn những chũm cau”, phần ngon nhất dành cho khách mua. Hoặc, có “ăn” thì cũng ăn những thứ không còn dùng được, chỉ là cái lợi nhỏ nhoi của nghề nghiệp mang lại: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”.
Những đòn trừng phạt nặng nề sẽ giáng xuống đối với những kẻ cân điêu, đong thiếu, tất bị quả báo. Bây giờ, xã hội chúng ta được quản lý bằng pháp luật.
Những vụ kinh doanh vô đạo đức như trên phải được xử lý bằng pháp luật, ngõ hầu hạn chế được thói kinh danh vô đạo đức đang rất thịnh hành hiện nay.
Theo Pha Ly/Pháp luật plus