(BVPL) - Còn nhiều bất cập trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động  quy định tại định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP, vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.

 


Sau 03 năm thi hành Nghị định số 95 và Nghị định số 88, thông qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy vẫn còn có nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, cơ quan, người có thẩm quyền luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục các đối tượng vi phạm, để họ hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, vì vậy đến nay chưa có Quyết định xử lý vi phạm hành chính nào bị đối tượng khiếu nại. Trong 3 năm từ 2013-2016, tại 23 tỉnh, thành trong cả nước, các cấp có thẩm quyền đã ra 1.334 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động tại các tỉnh, thành phố (trong đó có ATVSLĐ) với số tiền phạt gần 24 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nhìn chung Nghị định 95 và Nghị định 88 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ. Các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp xử phạt bổ sung và thẩm quyền xử phạt cũng rõ ràng, chi tiết, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Còn ông Chang - Hee - lee, Giám đốc văn phòng ILO Việt Nam thì cho rằng, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính về ATVSLĐ, Việt Nam cũng cần tìm ra những hình thức để khuyến khích các doanh nghiệp đảm bảo an toàn như: Tập huấn về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức các chiến dịch thanh tra lao động để phát hiện những tồn tại, qua đó kiển nghị doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc...

Tại buổi hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ ra các bất cập trong việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ như: khó xử phạt đối với các doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ hoặc có xây dựng kế hoạch nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; Không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp nhưng không đủ nội dung; đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; người lao động nhận công việc về nhà làm... Qua đó cũng đưa ra các kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 88 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
 

Mai Hòa

.