Ngoài việc tốn hàng chục triệu USD mua sắm, mỗi tháng các đại gia phải bỏ ra số tiền rất lớn cho chi phí hoạt động của máy bay.

 


Từ cuối năm 2011, dư luận xôn xao về việc ông Cao Văn Sơn - chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh (Green Planet) nhập khẩu 10 chiếc máy bay cá nhân hạng nhỏ. Ông Sơn cho biết: “Tất cả thành viên trong gia đình tôi đều đã có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định rồi. Tôi có chút tiền thì muốn đầu tư vào mấy cái máy bay, chủ yếu là để chơi và thỏa mãn niềm đam mê, mất thì thôi”.

Những chiếc máy bay của Green Planet là loại 2 chỗ ngồi, hai trong số đó do Cộng hòa Czech sản xuất, còn lại xuất xứ từ Mỹ. Trong số 10 máy bay này, chiếc có giá thấp nhất 2 triệu USD và chiếc có giá cao nhất 14 triệu USD. Mức giá này chưa tính thuế nhập khẩu, VAT...

Trong năm 2014, ông Trần Trọng Kiên chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Minh (TMC) đã nhận bàn giao 2 chiếc thủy phi cơ giá khoảng 3,2 triệu đô. Đây là những chiếc thuỷ phi cơ thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Thủy phi cơ được Tập đoàn Thiên Minh mua nhằm bàn giao cho hãng hàng không tư nhân Hải Âu khai thác du lịch. Công ty Thiên Minh được thành lập vào năm 1994, tiền thân là một công ty lữ hành nhỏ.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp và cá nhân có tiền để mua máy bay, đặc biệt là các loại máy bay giá chỉ mấy trăm nghìn USD, rẻ hơn giá các loại "siêu xe" họ đã và đang mua. Nhưng họ chưa mua, vì nhiều lý do.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines... đều có sân bay dành riêng cho hoạt động của hàng không tư nhân. Nhu cầu này chưa được đáp ứng ở Việt Nam.

Ngoài ra, các thủ tục pháp lý cho hoạt động bay của máy bay riêng tại Việt Nam cũng khá phức tạp. Hiện chỉ có các sân bay dành cho hoạt động thương mại, quốc phòng. Trong khi nhu cầu sở hữu máy bay riêng, kinh doanh dịch vụ trực thăng, thủy phi cơ rất lớn, nhưng đến nay số lượng tại Việt Nam vẫn chưa đáng kể và thị trường này được đánh giá rất tầm năng và nhiều đại gia Việt đủ khả năng đầu tư./.
 

Theo VOV

.