Bác bỏ tất cả cáo buộc của Global Witness, bầu Đức công khai tuyên bố mình không “cướp” đất của dân Lào, Campuchia, sẵn sàng đối chất với tổ chức này và các phóng viên quốc tế ngay tại “hiện trường” rừng cao su.

 
 
Chiều nay 17/5, tại khách sạn Rex, TPHCM, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - ông Đoàn Nguyên Đức chính thức mở buổi họp báo với sự tham gia của gần 200 phóng viên, nhà đầu tư để khẳng định ông không cướp đất của dân Lào, Campuchia, không lấy một “lóng” gỗ nào ở nơi đây cũng như “tố” rằng phía Global Witness đã đưa thông tin gian, sai sự thật.
 
Global Witness (tạm dịch: Nhân chứng Toàn cầu) là một tổ chức phi chính phủ do George Soros cùng chính phủ các nước Anh, Thụy Điển, Hà Lan… tài trợ với mục tiêu điều tra và ngăn chặn các vụ mâu thuẫn, tham nhũng liên quan đến tài nguyên, bảo vệ môi trường và lạm dụng nhân quyền. Mới nhất, Global Witness công bố báo cáo có nội dung tố cáo HAGL và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã phá rừng, chiếm đất tại Lào, Campuchia.
 
Bức xúc trước các cáo buộc vô căn cứ từ, bầu Đức thanh minh rằng quyết định đầu tư của HAGL vào Lào, Campuchia qua rất nhiều quy trình, được sự chấp thuận của nhiều Bộ và cả cấp Thủ tướng Chính phủ các nước này. HAGL đầu tư trên diện tích đất cho phép, nằm trong quy hoạch trồng cây cao su của nước sở tại và không đụng đến đất của dân.
 
Ngay cả quy trình khai hoang rừng thì HAGL cũng không đụng tới. Gỗ được khai thác xong thuộc về chính phủ và mang đấu giá nhưng chúng tôi cũng không tham gia mua dù đủ điều kiện. Tôi không đụng đến một lóng gỗ nào của họ”, bầu Đức cương quyết khẳng định. Ông còn cho rằng hình ảnh mà Global Witness đăng tải có chụp các xe chở gỗ và ghi chú xe gỗ của HAGL là sai sự thật hoàn toàn.
 
Ngay sau khi HAGL bị tố cáo, tổ chức IFC (Công ty Tài chính Quốc tế, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - WB) đã nhanh chóng tiến hành đi thực tế tại các dự án của HAGL và phản hồi rằng các dự án này rất tốt. Để nghiêm túc hơn, bầu Đức cho biết sẽ thuê Bereau Veritas, một tổ chức có hơn 200 năm tuổi và có 144 văn phòng đại diện tại các quốc gia để đánh giá yếu tố môi trường trong các dự án của HAGL và đề nghị cấp chứng chỉ SSG (rừng bền vững). 
 
Họ công bố sai (Global Witness - PV), chúng tôi không thể kiện họ, không biết kiện ở đâu vì họ là tổ chức phi chính phủ. Nhưng chúng tôi sẽ mời những tổ chức lớn hơn họ để thẩm định lại kể cả bỏ nhiều chi phí hơn. Đó là để tự vệ, bảo vệ vì HAGL có hơn 30.000 lao động tại cả 3 quốc gia”, bầu Đức bức xúc. Ông cũng cho biết thêm: “Tất cả những tố cáo của họ đều không có bằng chứng. Họ cũng không liên hệ tìm hiểu thông tin từ chúng tôi, sau khi công bố báo cáo họ mới liên hệ. Tôi đã gửi công văn đề nghị họ và các phóng viên CNN, BBC, Reuters… đã đăng công bố đến trực tiếp hiện trường rừng cao su để cùng đánh giá nhưng họ không chấp thuận mà lại hẹn gặp riêng tôi ở văn phòng”.
 
Ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital và bà Võ Thị Huyền Lan - Thành viên HĐQT quỹ Jaccar cũng lên tiếng khẳng định rằng họ liên tục tư vấn, giám sát quá trình hoạt động của HAGL và công ty đáp ứng vượt điều kiện về môi trường trong từng dự án theo chuẩn của các quốc gia.
 
Sự việc về HAGL, VRG đang lan rộng trên các kênh truyền thông cả trong và ngoài nước làm dấy lên mối lo về khả năng đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn Việt Nam. Làm sao để các tập đoàn trong nước có đủ sức cạnh tranh với quốc tế và khẳng định thương hiệu, vị thế đứng vững được bên ngoài lãnh thổ vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
 
Tường Châu
.