Vì tham, Trung Quốc tự cô lập chính mình
Cập nhật lúc 15:03, Thứ tư, 25/06/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Hàng chục năm tăng trưởng kinh tế liên tục, tốc độ chi tiêu quốc phòng ngày một tăng trong suốt 20 năm gần đây, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, quyết đoán hơn trong việc tìm cách thay đổi nguyên trạng, thiết lập các khuôn khổ trật tự mới nhằm trở thành bá chủ tại Đông Á, dần tiến tới cạnh tranh với Mỹ tại cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố: “Trung Quốc quyết không xưng bá, không tranh bá”, “phát triển hòa bình”, và “hợp tác cùng thắng vì một tương lai châu Á kết nối tươi đẹp”, nhưng với cách hành xử hiện nay, thâm ý thực của Bắc Kinh cũng đang dần bị lộ rõ và nguyên nhân cũng từ chữ “Tham” mà ra.
Các bình luận của ông Tôn diễn ra trong bối cảnh chính Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé” bằng cách hành động hung hăng trên biển. Ngoài việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh còn bị tố thực hiện việc cải tạo đất tại 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) với mưu đồ xây đảo nhân tạo để mở đường băng và các căn cứ quân sự.
Trên Hoa Đông, Trung Quốc cũng liên tục điều tàu và máy bay tới khu vực gần gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản quản lý. Tokyo mới đây đã cáo buộc các máy bay Trung Quốc tiếp cận ở cự ly gần “một cách nguy hiểm” các máy bay của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, hiện tại Trung Quốc vẫn duy trì tại hiện trường khoảng 117-121 tàu các loại. Trong đó có 42-44 tàu hải cảnh, 14-15 tàu vận tải, 18-19 tàu kéo, 38 tàu cá và 5 tàu quân sự. Tại khu vực giàn khoan, tàu kiểm ngư của ta vẫn cơ động vào cách giàn khoan từ 10-12 hải lý để đấu tranh, tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Song, các tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo của Trung Quốc thường xuyên có hành động vây ép hướng, tăng tốc độ bám sát các tàu của VN (ở khoảng cách 20-70m), ngăn cản quyết liệt ở khu vực cách giàn khoan khoảng 10-12 hải lý, sẵn sàng đâm va các tàu của Việt Nam khi tàu của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Đặc biệt, vụ tàu KN-951 của Việt Nam bị tàu kéo 284, 285 và tàu hải tuần 11 của Trung Quốc vây ép, tì vào mạn phải, sau đó tàu kéo Hữu Liên 09 dùng tốc độ cao đâm vào mạn phải, tàu kéo Tân Hải 285 đâm vào mạn trái làm hỏng một số thiết bị lan can, móp bẹp mạn phải và mạn trái. Tàu cá của ngư dân ta vẫn hoạt động sản xuất trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, tổ chức đánh bắt ở Tây - Tây Nam, cách giàn khoan 35-40 hải lý. Khu vực nhóm tàu cá đánh bắt có khoảng 38 tàu cá dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh Trung Quốc tổ chức dàn hàng ngang ngăn cản, sử dụng tốc độ cao chặn hướng, ép các tàu cá của ta ra xa không cho tiến vào gần khu vực giàn khoan. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các tàu kiểm ngư, tàu cá của ngư dân ta vẫn bám sát ngư trường, đánh bắt cá...
Thúc Hà (Tổng hợp)
.