Thu hồi hơn 1.500 ha đất vi phạm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội ngày 9/7/2019, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Trọng Đông trình bày tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, cho biết, danh mục các dự án có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai gồm 544 dự án.

Từ tháng 7/2018 đến 31/5/2019, Sở TN-MT đã triển khai 21 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Sở TN-MT đã ban hành kết luận tranh tra kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý đối với 304 dự án.

Trong đó, 24 dự án với tổng diện tích hơn 1.552 ha đất được kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; 23 dự án (35,4 ha đất) chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuế đất đối với thời gian gia hạn.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội: Nhiều Dự án trên địa bàn chậm đầu tư, chậm triển khai

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; 81 dự án (225,6 ha đất); đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm hoặc tiếp tục giám sát quản lý, sử dụng đất theo quy định…

Trong 379 dự án thanh tra, kiểm tra, trong thời gian tiến hành thanh tra, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là 16.340 tỷ đồng, trong đó số tiền sử dụng đất còn phải nộp là 2.276 tỷ đồng.

Đáng chú ý, về công tác thu hồi đất đối với các dự án đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất để quản lý, sử dụng theo quy định, từ tháng 10/2012 đến 31/3/2018, Sở TN-MT đã lập hồ sơ, trình UBND thành phố ban hành 38 quyết định thu hồi đất vi phạm với tổng diện tích 990,4 ha.

Tiếp đến, từ 31/3/2018 đến 5/2019, Sở TN-MT đã lập hồ sơ, trình UBND thành phố ban hành 10 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuế đất với tổng diện tích 285 ha đất; tiếp tục trình UBND thành phố thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuế đất đối với 14 dự án với diện tích hơn 1.267 ha.

Bên cạnh  đó, việc triển khai kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai còn có những tồn tại, hạn chế. Tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, chậm triển khai trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra.  Một số dự án chậm GPMB, chậm tiến độ đầu tư. Nhà đầu tư chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng để triển khai thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng.

Một số tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng thực tế không sử dụng đất theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tại thời điểm thanh tra các tổ chức chỉ sử dụng một phần diện tích đất được giao, diện tích còn lại được sử dụng không đúng mục đích, cho thuê nhà xưởng, mặt bằng, liên doanh, liên kết trái quy định…

Việc xử lý các dự án chậm do phải thực hiện đúng quy định

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh (Tổ Nam Từ Liêm) cho biết, sau khi rà soát 47 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, 40/47 dự án đã bị dừng hoạt động. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định dừng 33 dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định dừng 7 dự án, một dự án được điều chỉnh để tiếp tục triển khai. Như vậy, vẫn còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm. "Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này?”

Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND thành phố giao nhiệm vụ rà soát 47 dự án vi phạm. Trong đó, 8 dự án đô thị và nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh được UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, 39 dự án giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xử lý.

leftcenterrightdel
Đại biểu chất vấn tại phiên họp HĐND TP Hà Nội 

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND thành phố và chấm dứt hoạt động 33 dự án theo quy định. Trong 6 dự án còn lại có một dự án sau khi liên ngành rà soát thì nhận thấy còn phù hợp để triển khai thực hiện nên cho phép điều chỉnh chức năng để tiếp tục hoạt động. Một dự án hiện đang chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau khi có kết luận điều tra Sở sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét. Đối với các dự án còn lại, Sở tiếp tục rà soát và báo cáo UBND thành phố.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình rà soát các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.  Cụ thể, các dự án do UBND quận, huyện báo cáo với đoàn giám sát của UBND thành phố chưa đầy đủ cả về thông tin cũng như tính pháp lý của dự án. Nhiều chủ đầu tư còn chây ì, chưa chủ động báo cáo.

Việc xử lý các dự án chậm tiến độ do phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhiều dự án có sự thay đổi do liên quan tới chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng. Một số dự án có vướng mắc về pháp lý nhưng đang trong quá trình điều tra nên phải chờ kết luận thanh tra, điều tra mới có cơ sở đề xuất. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác rà soát số liệu theo chuyên ngành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những vướng mắc này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong thời gian tới, cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết thu hồi các dự án có sai phạm.

Vi phạm đất đai đều lũy kế từ nhiều thời kỳ

Trả lời câu hỏi của các đại biểu tại cuối phiên chất vấn về nhóm nội dung thứ nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, kết quả sau giám sát của HĐND thành phố và Thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố về phiên giải trình tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố đã tạo chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách và cả đất đồi, rừng, nông nghiệp…

"Nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai đều là vi phạm lũy kế từ nhiều thời kỳ", Phó Chủ tịch UBND thành phố  Nguyễn Quốc Hùng nêu.

Tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố là tập trung vào mục tiêu cao nhất, đưa diện tích đất đã duyệt vào sử dụng, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Sẽ Cương quyết thu hồi những dự án mà doanh nghiệp chây ì, không triển khai

Khi chỉ đạo, xử lý, thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ là chính, trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan để tạo điều kiện cho các đơn vị đưa đất vào sử dụng. Một số doanh nghiệp được tiếp tục xem xét gia hạn theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thành phố cũng cương quyết tổ chức thu lại những dự án mà doanh nghiệp chây ì, không thực hiện, vi phạm Luật Đất đai nhưng không khắc phục”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nêu.

Cụ thể, từ tháng 8/2018 đến nay, thành phố đã chỉ đạo thu lại 24 dự án, với tổng diện tích 1.500ha; truy thu 80 dự án có sự điều chỉnh, thu về ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Một số dự án chậm nộp đang được chỉ đạo giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện "dưỡng" nguồn thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu, cơ bản các doanh nghiệp sau khi có quyết định thu hồi đất đều hợp tác, thống nhất bàn giao đất, tạo điều kiện để thành phố đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp khiếu nại, các đơn vị chức năng của thành phố tiếp tục giải quyết theo đúng quy định.

 

Sáng 9/7, kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ hai. Kỳ họp dành trọn ngày hôm nay cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu nhấn mạnh: Qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố đã có 255 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND thành phố đã chuyển UBND thành phố xem xét, trả lời và giải quyết theo đúng quy định.

Căn cứ nội dung giám sát, khảo sát, Thường trực HĐND thành phố đã chọn ra một số nhóm vấn đề gửi xin ý kiến đại biểu HĐND thành phố. Qua đề xuất của các vị đại biểu có thể thấy, các vị đại biểu HĐND thành phố đều mong muốn tái chất vấn 3 nội dung đã được HĐND, Thường trực HĐND thành phố chất vấn, giải trình tại các kỳ họp trước; nhằm tiếp tục xem xét nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn và có những giải pháp mạnh hơn thúc đẩy hiệu quả công việc.

Ba nhóm vấn đề để tiếp tục giám sát đó là: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; nội dung thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố" và nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Việc chất vấn 3 nhóm vấn đề trên không chỉ đáp ứng yêu cầu của các vị đại biểu HĐND thành phố mà còn đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô


Hà Nhân