Trong buổi chiều ngày 8/7/2019, đóng góp ý kiến vào những hạn chế, tồn tại liên quan đến vi phạm pháp luật và phạm pháp hình sự, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan dẫn đến các sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông, lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ, GPMB, an toàn cháy nổ… đều có trách nhiệm rất rõ của việc chỉ đạo chưa quyết liệt, sự vào cuộc chưa sát sao của người đứng đầu khi để các vi phạm tồn đọng, kéo dài, diễn biến phức tạp và càng về sau càng khó xử lý.

Vừa qua thành phố xử lý nhiều cán bộ vi phạm, nhưng khắc phục những sai phạm để lại, nhất là liên quan đến đất đai rất khó

Đóng góp ý kiến vào các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019, đại biểu Nguyễn Hoài Nam kiến nghị công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần có nhiều hình thức “trúng” với các đối tượng khác nhau.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hoài Nam: Xử lí nhiều sai phạm, nhưng khắc phục sai phạm rất khó

Thành phố tăng cường kỷ cương, thể hiện trong điều hành và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong quản lý đất đai và phòng chống cháy, nổ; Công an thành phố chủ động, kiên quyết tham mưu cho thành phố xử lý “tín dụng đen” bởi đây là nguồn gốc của nhiều tội phạm khác...

Đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ Hoàn Kiếm) nêu thực trạng một số công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) triển khai chậm tiến độ, không hiệu quả. Để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, đề nghị UBND thành phố rà soát dự án trọng điểm đang thực hiện theo hình thức PPP để chuyển sang hình thức đầu tư công. 

Về quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước hình thành từ năm 1950, trải qua thời gian, chất lượng nhà đã xuống cấp. Ngoài ra, trong quá trình quản lý, sử dụng nhiều địa điểm cho thuê bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, dẫn đến xảy ra tranh chấp khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đại biểu nêu, trên địa bàn quận có những vụ việc gây khiếu kiện kéo dài tới 20 năm làm giảm hiệu quả sử dụng đất và thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị UBND thành phố tổng kiểm tra rà soát kịp thời, chấn chỉnh các hành vi sử dụng đất không đúng mục đích; đôn đốc tổ chức cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong việc thuê nhà, thuê đất của Nhà nước nhằm kiểm soát, chống tham nhũng lãng phí.

Đại biểu cũng kiến nghị thành phố xem xét khả năng cống hóa một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả với các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, góp phần giảm xả thải, tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Cùng góp ý về kiểm soát ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Thanh Xuân) kiến nghị thành phố quan tâm bố trí nguồn lực để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhất là kiểm soát khí thải và giải quyết ô nhiễm các dòng sông.

leftcenterrightdel
Các đại biểu biểu  quyết thông qua Nghị quyết 

Ngoài ra, theo đại biểu, thành phố cần quan tâm hơn nữa về cải thiện thủ tục hành chính với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thẩm định hồ sơ, dự án; có cơ chế tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính như hút thuốc lá và những hành vi thiếu văn hóa tại các khu vực công cộng.

Chiều 8/7/2019, 100% đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Theo nội dung tờ trình do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành trình bày, đầu năm 2019, toàn thành phố có 23.289 hộ nghèo, với 64.213 nhân khẩu, chiếm 1,16% tổng số hộ dân toàn thành phố. Trong số này, 9.777 hộ có khả năng thoát nghèo (chiếm 42%) và 13.512 hộ không có khả năng thoát nghèo do trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc có khả năng lao động. Đây cũng là các hộ nghèo diện đặc biệt khó khăn, không có khả năng vươn lên lao động thoát nghèo, cần hỗ trợ về y tế, giáo dục và hỗ trợ hằng tháng.

Theo nội dung nghị quyết, người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo (HIV, ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 và các bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của cơ quan y tế) sẽ được hỗ trợ hằng tháng.

Thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ gia đình nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng sau khi hộ gia đình thoát cận nghèo. Đồng thời, hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kể cả học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế không quá 9 tháng/năm học, tối đa không quá 3 năm học sau khi hộ gia đình thoát nghèo.

Ngoài ra, thành phố tiếp nhận người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ là 312.834 triệu đồng. Trong đó, kinh phí tăng thêm so với kinh phí đang thực hiện là hơn 110,15 tỷ đồng/năm.

 

 

Hà Nhân