(BVPL) - Trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (Đại biểu) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) (sửa đổi), trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 10 này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về  dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

 

1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo.


Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội, đa số Đại biểu tán thành với dự thảo trình Quốc hội, theo đó, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

UBTVQH nhận thấy, việc quy định rõ hơn quyền khai báo, trình bày ý kiến của người bị buộc tội như quy định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982 là cần thiết, như sau: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Đối với quy định về thời hạn tạm giam, nhiều Đại biểu tán thành với dự thảo về việc rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng; tuy nhiên đề nghị cân nhắc giữ quy định hiện hành về thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm khác đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp (như giết người, cướp tài sản; ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn) mà không có căn cứ để hủy bỏ, thay đổi biện pháp tạm giam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, tiếp thu ý kiến Đại biểu, trên cơ sở cân nhắc giữa việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, UBTVQH tán thành với dự thảo về việc rút ngắn thời hạn gia hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời chỉnh lý dự thảo Bộ luật, tiếp tục giữ quy định hiện hành về thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Bên cạnh đó, về trường hợp phải chỉ định người bào chữa, trước những ý kiến chưa thống nhất của các Đại biểu, UBTVQH cho rằng, việc mở rộng các trường hợp phải chỉ định người bào chữa là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên mở rộng các trường hợp phải chỉ định người bào chữa đến mức nào thì cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện về số lượng người bào chữa ở nước ta hiện nay. Theo đánh giá của Cơ quan chủ trì soạn thảo, nếu mở rộng đến các trường hợp có hình phạt 15 năm tù trở lên thì số người bào chữa chỉ định sẽ tăng gấp 08 lần, còn nếu mở rộng đến trường hợp có hình phạt tù chung thân, tử hình thì sẽ tăng gấp 02 lần so với hiện nay. Trong điều kiện đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý đang được tăng cường về số lượng và chất lượng, phù hợp với đề nghị của Chính phủ thì việc chỉ định người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà BLTTHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù trở lên, tù chung thân, tử hình” là khả thi. Vì vậy, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng: “Phải chỉ định người bào chữa đối với đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù trở lên, tù chung thân, tử hình”.

Theo giải trình, để tham gia bào chữa trong vụ án hình sự, người bào chữa phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ, bảo đảm họ không thuộc trường hợp phải từ chối bào chữa của Luật luật sư (như luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó; luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người phiên dịch; luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó…). Đồng thời, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, người bào chữa còn làm việc với các cơ quan, tổ chức khác để thực hiện nhiệm vụ bào chữa (như gặp người bị bắt, bị tạm giữ, bị can tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam....). Vì vậy, việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa chính là tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia tố tụng hoặc làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Trước thực tiễn cho thấy, việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong một số trường hợp còn có vướng mắc, khó khăn không phải do quy định pháp luật mà là do quá trình tổ chức thực hiện cần được chấn chỉnh, khắc phục. Do đó, để tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa” của cơ quan tiến hành tố tụng mới được tham gia bào chữa, dự thảo đã thay quy định “cấp Giấy chứng nhận người bào chữa” bằng quy định “cấp Giấy đăng ký bào chữa”, UBTVQH đã chỉnh lý rút ngắn thời gian và đơn giản thủ tục cấp Giấy đăng ký theo hướng: 6 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị bắt, 12 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với trường hợp bào chữa khác; giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công thụ lý chính đối với vụ án cấp Giấy này thay vì quy định hiện hành giao cho Lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng.  

Ông Hiện nói thêm, một nội dung được dư luận quan tâm đó là quy định về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án thì các Đại biểu nhất trí với quy định: sau khi kết thúc điều tra, nếu bị can có yêu cầu thì được đọc, ghi chép bản sao hoặc các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được số hóa.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền tự bào chữa của bị can, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa thì kể từ khi kết thúc điều tra và khi có yêu cầu, họ có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan là cần thiết nhưng để bảo đảm tính khả thi cần xác định rõ phạm vi các tài liệu và thời điểm bị can được đọc, ghi chép tài liệu đó;... Tiếp thu ý kiến Đại biểu, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng: Kể từ khi kết thúc điều tra bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.

Ngoài ra, để bảo đảm chặt chẽ khi áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao các tài liệu, UBTVQH đề nghị quy định: Chính phủ chủ trì, phối hợp với VKSNDTC, TANDTC quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.

Đối với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can,  UBTVQH  cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác (như tại nơi tiến hành điều tra, tại chỗ ở của bị can) thì được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đồng thời, để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc ghi âm, ghi hình.

Vì thế, UBTVQH đã chỉnh lý như sau: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm, ghi hình.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.

 Chính phủ chủ trì, phối hợp với VKSNDTC, TANDTC quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”.

Cũng theo báo cáo giải trình,  các Đại biểu đều tán thành với dự thảo về việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, đối tượng áp dụng, người có thẩm quyền áp dụng; tuy nhiên đề nghị chỉ quy định những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân, tránh nhầm lẫn với các biện pháp nghiệp vụ trinh sát.

Trước một số ý kiến khác đề  nghị không quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong Bộ luật này vì nhạy cảm, phức tạp, UBTVQH cho hay, việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp, đồng thời để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng và để tránh nhầm lẫn thì không nên quy định cả biện pháp nghiệp vụ trinh sát thông thường là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ quy định của dự thảo về đối tượng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp này và chỉ nên quy định 03 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Về thời điểm áp dụng, đa số các Đại biểu tán thành với dự thảo về thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi xác minh nguồn tin về tội phạm. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định thời điểm áp dụng kể từ khi xác minh nguồn tin cho đến thời điểm khởi tố bị can. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu, giải trình, UBTVQH đề nghị thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án là phù hợp để bảo đảm sự chặt chẽ, tính khả thi của việc áp dụng...

Ngoài những vấn đề trên, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, chỉnh lý chi tiết các quy định về: thẩm quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng giám đốc thẩm, thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; các thủ tục để thi hành một số chế định mới trong dự thảo BLHS (sửa đổi) như chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, các chế định thay thế xử lý hình sự và nhiều điều khoản khác của dự thảo, bảo đảm chặt chẽ về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Dự thảo Bộ luật sau khi được chỉnh lý gồm 36 chương và 504 điều.
 

 Đức Thắng - Thanh Dịu

.