Với hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, kéo theo chi tiêu quốc phòng ngày một tăng trong suốt 20 năm gần đây, TQ đã bước vào giai đoạn mới, quyết đoán hơn trong việc tìm cách thay đổi nguyên trạng.

 

 

Tại hội nghị Shangri-La 13, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một mặt tuyên bố ủng hộ các cố gắng giải quyết hòa bình của các nước ASEAN, mặt khác cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel kêu gọi chính phủ mới của Thủ tướng Ấn Độ Modi “có vai trò tích cực hơn trong các vấn đề của châu Á” và “hợp tác với Nhật Bản tại những nơi Ấn Độ có lợi ích địa chiến lược như ở biển Hoa Đông, biển Đông”.

ASEAN buộc phải liên kết

Hành động đơn phương phá vỡ nguyên trạng của TQ cũng đang buộc các nước láng giềng ASEAN phải liên kết chặt chẽ với nhau, khiến Malaysia, Indonesia và Singapore trở nên có lập trường nhất quán, có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề biển Đông, và làm cho TQ bị cô lập.

Trong khi đó, ngoài tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới (28/4/2014) với Mỹ, Philippines còn chi ra 114 triệu USD để nâng cấp một căn cứ quân sự tại vịnh Ulugan. Indonesia cũng tăng cường khả năng không quân tại khu vực quần đảo Natuna, những hành động nhằm đối phó với nguy cơ TQ mở rộng lấn chiếm trong vùng nước của yêu sách đường 9 đoạn.

Ngoài ra, sau gần 20 năm kể từ năm 1995, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 24 (AMM) ngày 10/5/2014 tại Nay Pyi Taw lần đầu tiên đã đưa ra Tuyên bố riêng về tình hình biển Đông.

Bằng tuyên bố này, ASEAN đã thể hiện rõ mối quan ngại sâu sắc, sự thống nhất cao về quan điểm trước mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh của khu vực, nói lên tiếng nói đoàn kết, trách nhiệm của mình trước việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển VN, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN và luật pháp quốc tế.

Điều này cũng có nghĩa, TQ đang tự hủy hoại môi trường phát triển hòa bình cần thiết cho việc có thể trỗi dậy, trở thành một “siêu cường” khu vực.

Hình ảnh “hòa bình”, vai trò “dẫn dắt” như các kế hoạch hợp tác được TQ đề cập với khu vực đang trở thành thiếu sức thuyết phục.

Hơn nữa, khi môi trường kinh tế, chính trị, xã hội bên trong TQ đang có chiều hướng xấu đi, chưa đưa ra được mô hình chuyển đổi kinh tế mới như tuyên bố tại hội nghị Trung ương 3, khóa 18, hoạt động chống tham nhũng đã bước vào giai đoạn quyết liệt, đụng chạm thượng tầng, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2014 chỉ đạt 7,4%, bất ổn an ninh nội địa gia tăng với các vụ khủng bố bạo lực không chỉ xẩy ra tại Tây Tạng, Tân Cương, mà còn cả tại Bắc Kinh, Vân Nam, Côn Minh.

Trong bối cảnh bên trong và bên ngoài như vậy, tham vọng trỗi dậy nhanh càng đẩy TQ vào một hoàn cảnh khó khăn mới.

Phải chăng, việc gây căng thẳng với các nước láng giềng, đe dọa phá vỡ nguyên trạng cục diện an ninh của khu vực không chỉ đi ngược lại với những lời nói về hữu nghị, hợp tác như Bắc Kinh quảng bá, mà nó còn đang đi ngược lại với chính lợi ích của TQ - những lợi ích chỉ có thể đạt được bằng con đường hòa bình, hữu nghị và hợp tác?

 

Theo vietnamnet