Chiều 19/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến. 

Tại cuộc họp, các Sở, ngành của thành phố cho biết, tính đến trưa ngày 19/3, tại TP HCM số trường hợp Covid-19 mới xác định thêm: 13 trường hợp; tổng số trường hợp nghi ngờ: Đến ngày 18/3 là 177 trường hợp (trong đó có 173 trường hợp đã có kết quả âm tính, 4 trường hợp đang đợi kết quả); tổng số trường hợp đang cách ly tập trung: 2.997 trường hợp, trong đó: Khu cách ly tập trung của thành phố: 2.500 trường hợp, cơ sở cách ly tập trung quận, huyện: 497 trường hợp; tổng số trường hợp đang cách ly tại nhà/ nơi lưu trú: 615 trường hợp.

Về năng lực tổ chức cách ly kiểm dịch: Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Du lịch, Đại học Quốc gia tổ chức các khu cách ly tập trung của thành phố tại các cơ sở quân đội, khách sạn, khu ký túc xá đại học với tổng quy mô đạt được 23.698 giường; 24 quận, huyện tổ chức cơ sở cách ly tập trung, tổng quy mô: 798 giường.

Đã triển khai 1.000 giường cách ly tại Khu ký túc xá Đại học quốc gia, mỗi ngày thành phố tiếp tục triển khai 2.000 giường đảm bảo cuối tuần triển khai 10.000 giường, đến ngày 27/3/2020 đảm bảo triển khai xong 20.000 giường.

Thành phố tiếp tục mở rộng quy mô các khu cách ly để có đủ diện tích bố trí giường cách ly riêng biệt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu có người nhiễm; chuẩn bị khu vực để cách ly riêng những trường hợp nghi nhiễm bệnh, không để lây lan trong khu cách ly.

Về điều kiện thu dung điều trị: Thành phố thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 với quy mô 2.000 giường, chuẩn bị khu điều trị riêng để tiếp nhận điều trị chuyên cho bệnh nhân Covid-19. Thành phố cũng xác định 47 bệnh viện chuẩn bị khu điều trị sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 với quy mô 679 giường.

Thành phố đã chủ động đã trang bị 3.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng những trường hợp nghi ngờ, trường hợp tiếp xúc gần. Tiếp tục trang bị thêm 10.000 bộ xét nghiệm trong tháng 3/2020 để tăng cường tầm soát người nghi ngờ ở các cơ sở, chẩn đoán người bệnh trong cộng đồng và xét nghiệm tầm soát rộng những người nghi nhiễm sau tiếp xúc gần với người bệnh, các trường hợp cách ly từ các chuyến bay từ vùng dịch các nước như châu Âu, Mỹ, ASEAN.

Chuẩn bị kinh phí để triển khai 10 phòng điều trị áp lực âm tại Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi và 10 phòng áp lực âm tại Bệnh viện điều trị Covid-19 ở huyện Cần Giờ; cùng với các phương án đảm bảo cung ứng khẩu trang y tế, khẩu trang N95, trang thiết bị bảo hộ phòng chống dịch bệnh, thuốc, hóa chất khử khuẩn, kế hoạch sử dụng máy giúp thở và phương án mua thêm máy giúp thở. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực và kế hoạch điều phối để phục vụ cho công tác điều trị theo từng cấp độ.

 Xây dựng các kịch bản ứng phó: khi dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, kịch bản cách ly từng cấp độ để chuẩn bị trước diễn tiến phức tạp có thể xảy ra. Theo từng mức cấp độ từ 500 đến 1.000 và trên 2.000 người nhiễm. Đồng thời, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xây dựng kế hoạch tập huấn cho các hội tham gia hoạt động điều tra, xác minh người tiếp xúc; hỗ trợ ngành y tế giám sát người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có một số chỉ đạo như sau, cụ thể:

Trong 10 ngày tới, dự kiến, Thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 17.000 người Việt Nam trở về nước và có mong muốn được cách ly tại TP HCM. Vì vậy, các lực lượng cần tính toán lại các khu cách ly tập trung; khả năng đáp ứng về giường bệnh, bác sĩ, y tá, điều dưỡng và đội ngũ phục vụ, trang thiết bị… để đảm bảo không bị lúng túng khi triển khai.

Cần lên phương án cụ thể từ tổng số giường, tổng số người tiếp nhận về… theo lộ trình trong 10 ngày tới, điều chỉnh khu nào tiếp nhận trước, khu nào tiếp nhận sau. Trước mắt là phát huy hết công suất khu cách ly tại Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức).

Về nhân lực, cần tính tới phương án huy động lực lượng Thanh niên xung phong cho công tác chuẩn bị và hậu cần; toàn bộ các y bác sĩ đã nghỉ hưu, bác sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu, bác sĩ ngành Công an, các sinh viên trường Y… để có phương án cụ thể đáp ứng yêu cầu đề ra./.

Nguyễn Lánh