Không chỉ có mỗi vụ việc nữ tiếp viên bị cảnh sát Nhật Bản bắt vì nghi ngờ tiêu thụ hàng ăn cắp hôm qua, Vietnam Airlines đã phải chịu tai tiếng với rất nhiều vụ nhân viên của hãng tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu.
 
 
Hôm qua (26.3), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đã xác nhận vụ việc nữ tiếp viên tên Nguyễn Bích Ngọc đã bị cơ quan cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) bắt giữ, mục đích là để điều tra về vụ việc tiêu thụ hàng có nguồn gốc trộm cắp trị giá 125.000 yên, tương đương 25,7 triệu đồng.
 
Thông tin về vụ việc, tờ Tuổi Trẻ còn cho biết: sở cảnh sát Tokyo nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên của VNA liên quan đến vụ xách hàng lậu. Họ đã yêu cầu 5 trong số các nhân viên trên (gồm 1 cơ phó và 4 tiếp viên) đến sở trình diện. Nhưng 5 người này hiện không có mặt ở Nhật. Trong khi đó, nữ tiếp viên bị bắt đã bác bỏ mọi cáo buộc, rằng cô không biết những món hàng quần áo là đồ ăn cắp.
 
VNA đã từng chịu tai tiếng với rất nhiều vụ nhân viên của hãng tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu.
 
Gần nhất là vào rạng sáng 22.9.2013, trên chuyến bay VN106, một tiếp viên phó của VNA bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S còn nguyên đai nguyên kiện, khi bay từ Paris (Pháp) về sân bay quốc tế Nội Bài. Người vi phạm là Bùi Ngọc Tuấn (sinh năm 1977), được tuyển dụng vào đoàn tiếp viên VNA từ năm 2005.
 
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, VNA đã đình chỉ bay đối với Bùi Ngọc Tuấn để làm rõ vi phạm. Vụ việc đã được chuyển sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ để điều tra và xử lý.
 
Năm 2011, tiếp viên VNA vận chuyển hàng điện tử và ngoại tệ số lượng lớn từ Úc vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) qua đường hàng không, với tổng số 980 thiết bị, tương đương 6,3 tỉ đồng và hơn 34,6 ngàn USD. Cơ quan điều tra đã xác định hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia các phi vụ vận chuyển trên do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu. Người mẫu Vĩnh Thụy cũng bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu này.
 
Vào tháng 6.2010, cơ quan chức năng Úc cũng bắt giữ 7 tiếp viên (cả nam và nữ) của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad từ nước này về Việt Nam.
 
Năm 2009, cảnh sát Nhật Bản đã triệt phá một đường dây tiêu thụ hàng phi pháp, sau đó có yêu cầu thẩm vấn một vài nhân viên phi hành đoàn của VNA bị tình nghi liên quan. Ông Đặng Xuân Hợp, cơ phó Boeing 777, đã bị tạm giữ ngay khi vừa đáp xuống sân bay Narita. Tuy nhiên sau thời gian xét xử, ông Hợp được đặc cách điều tra và trả tự do. Một năm sau, ông được bay trở lại và không loại trừ nhận công tác trên các đường bay đến Nhật Bản.
 
Tháng 10.2003, hai tiếp viên Phạm Thị V. và Nguyễn Thị Kim C. đã bị trạm thuế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ gồm 51 điện thoại di động các loại, hơn 700 đồng hồ đeo tay, một số phụ kiện của điện thoại di động gồm 16 cục pin, gần 70 dây sạc, hơn 35 đế sạc pin và 50 dây đeo tai nghe. Tổng trị giá hàng hóa hơn 300 triệu đồng.
 
Năm 2002, hải quan và công an phát hiện trong các xe chứa thức ăn thừa trên chuyến bay mang ký hiệu VN534 của VNA từ Dubai về Nội Bài giấu 397 chiếc điện thoại di động và gần 7kg vàng trang sức các loại. Hàng loạt tiếp viên dính líu đến vụ việc bị bắt giam, trong đó có cả tiếp viên trưởng lẫn tiếp viên phó. Tiền công mà tiếp viên nhận được khi tham gia là 10 USD/chiếc.
 
Cũng trong năm này, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã xử phạt tiếp viên Trần Hữu Quốc vì mang 6 điện thoại di động hiệu Nokia, 6 bộ sạc pin không khai báo hải quan, trên chuyến bay từ Đài Loan đến TP.HCM.
 
Phát biểu tại hội thảo “Hỗ trợ các cơ quan hữu quan Việt Nam trong đấu tranh chống hàng giả có tác hại đối với sức khỏe hoặc sự an toàn của người dân tại khu vực tiểu vùng sông Mekong” diễn ra hồi 30.5.2013, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết: “Tuyến hàng không, bưu điện quốc tế thường diễn ra các hoạt động buôn lậu các mặt hàng gọn nhẹ, giá trị cao như thuốc tân dược, quần áo thời trang, hàng xa xỉ phẩm, điện thoại di động với thủ đoạn chủ yếu là giấu trong người, hành lý, không khai báo khi xuất nhập cảnh. Đối tượng tiếp tay chủ yếu cho buôn lậu là tổ lái, tiếp viên trên máy bay, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần trên tuyến..." (theo Dân Việt)
 
Một bài báo trên Vietnamnet từng cho rằng thông thường, khi kết thúc chuyến bay, tổ tiếp viên có thể kéo vali rời máy bay. Theo quy định, hàng hóa ký gửi của chuyến bay phải thực hiện kiểm tra hải quan 100% mới được chuyển ra băng chuyền trả hành khách, còn hàng xách tay sẽ được kiểm tra ngẫu nhiên.
 
Nhân cơ hội này, tiếp viên đã buôn lậu các mặt hàng mang lại lợi nhuận lớn. Xu hướng này còn gia tăng, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, thậm chí có người còn gửi đồ nhờ khách hàng cầm hộ để tránh sự chú ý theo dõi của cơ quan chức năng.
 
Theo Một thế giới
.