Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu yêu cầu tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày hôm nay (22/4).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Tại cuộc họp, khái quát các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất, Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này…

Thủ tướng dành thời gian phân tích 3 vấn đề lớn: Khái quát tình hình và thực trạng kinh tế Việt Nam; đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Cùng với đó, đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội đến hầu hết các quốc gia, khu vực. 

Các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực được tập trung triển khai thực hiện hiệu quả; trong đó việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trong bối cảnh rất khó khăn. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỉ USD. Tính đến hết quý I/2023, các nhà đầu tư từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số khoảng 37.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư gần 445 tỉ USD.

Việt Nam là một số ít quốc gia được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, nâng mức tín nhiệm quốc gia trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định". S&P nâng xếp hạng tín nhiệm của VN từ mức BB lên BB+, triển vọng "Ổn định". Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng "Tích cực".

Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung phát huy các yếu tố nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững: Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hài hòa, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; càng khó khăn càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên, "biến nguy thành cơ"; Có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; Con người cần cù, bản lĩnh, cầu thị, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; bảo đảm an ninh, an toàn, an dân. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; đồng thời bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung; góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Những kết quả nêu trên thể hiện sự đúng đắn của các định hướng, quyết sách đề ra, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; qua đó, góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau gần 40 năm đổi mới. Năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt 409 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.100 USD. Việt Nam đã ký kết, triển khai hiệu quả 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) kết nối với hơn 60 nền kinh tế, thị trường lớn nhất thế giới; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong các diễn đàn song phương, đa phương, trong đó có CPTPP, RCEP...

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc; sức ép lạm phát còn cao. Tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến Việt Nam…

Theo Thủ tướng, tình hình lúc nào cũng có những khó khăn, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác cần giải quyết. Vì vậy, cần tăng cường phân tích, đánh giá tình hình, dự báo những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam để có đối sách phù hợp, xác định một số trọng tâm, trọng điểm, các bên cùng cố gắng với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì lợi ích chung của cả 2 phía: cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà nước, nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư. Ảnh:VGP

Nêu rõ quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư gồm: thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; qua đó tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ"; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; lấy nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài; ngoại lực là quan trọng, đột phá; trong đó xác định rõ đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm công ăn, việc làm, đời sống cho nhân dân.

Đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện thực chất, hiệu quả. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện các yếu tố nền tảng căn bản, mang tính cốt lõi của Việt Nam: (i) Nền dân chủ XHCN (phát huy tối đa năng lực của các chủ thể trong xã hội, trong đó có toàn bộ các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam); (ii) Nhà nước pháp quyền XHCN (mọi người dân, doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình); (iii) Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (tôn trọng các quy luật thị trường, nhất là quy luật cung cầu, cạnh tranh và bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp các vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm.

Cụ thể, về vấn đề OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo Thủ tướng, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD (trong khuôn khổ Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của OECD).

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…) để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Minh Nhật