Trong năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục huy động nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để đầu tư phát triển. Tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.500.000 triệu đồng, số kế hoạch vốn địa phương giao là hơn 8.100.000 triệu đồng trong đó ngân sách trung ương là hơn 1.960.000 triệu đồng và ngân sách địa phương là hơn 6.100.000 triệu đồng. Vốn đầu tư công chủ yếu được sử dụng để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy KT-XH của tỉnh Thái Nguyên phát triển.
Bên cạnh đó, Công tác đăng ký kinh doanh cũng được Thái Nguyên tăng cường đẩy mạnh. Trong tháng 2 năm 2022, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 46 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là gần 600 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi cho 91 doanh nghiệp, cấp thành lập đơn vị trực thuộc 21 đơn vị, tạm ngừng hoạt động 44 doanh nghiệp, giải thế 01 doanh nghiệp. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, toàn Tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 115 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là hơn 1.600 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi cho 200 doanh nghiệp, cấp thành lập 47 đơn vị trực thuộc, tạm ngừng hoạt động 320 doanh nghiệp, số doanh nghiệp giải thể là 6 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tính đến tháng 2/2022 là 8.194 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là hơn 122.000 tỷ đồng.
Để thu hút đầu tư đạt hiệu quả, năm 2022 tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chú trọng đến công tác quy hoạch và thực hiện tốt các quy hoạch. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư.
|
|
Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Đồng thời, Thái Nguyên cũng ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư đến Thái Nguyên sẽ không gặp bất kỳ rào cản nào,…
Công tác đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư đã được triển khai thực hiện đúng quy định, kịp thời, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo. Trong tháng 2 năm 2022, Sở KH&ĐT Thái Nguyên đã lập 3 báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu là gần 76 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Sở lập 17 báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu là hơn 255 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT Thái Nguyên sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát, tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.