Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm nay (5/1).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý IV, là mức đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ảnh:VGP 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương, với những điểm sáng như: dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vắc xin; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng GDP phục hồi trong quý IV, là mức đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Kết quả tích cực này đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá cả (đặc biệt các mặt hàng thiết yếu ở những lúc cao điểm), trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỉ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước, nhưng đặc biệt, tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến trình vắc xin.

Xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế.  Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỉ USD, tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó, xuất khẩu ước đạt 336,3 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm trước, duy trì xuất siêu.

Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng thể chế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng đã yêu cầu phải xác định quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; tập trung nhân lực, đầu tư về cơ sở vật chất, chế độ, chính sách ưu tiên để thu hút nguồn nhân lực cho xây dựng thể chế, trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Phòng chống dịch hiệu quả mới có thể khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với những rủi ro, khó khăn trong thời gian tới. Dự báo tình hình năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Phải xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh những quan điểm, định hướng chỉ đạo chung, đó là:

Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, cá thể hóa trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của các cấp. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Phòng chống dịch phải an toàn, linh hoạt, hiệu quả thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, vắc xin là hết sức quan trọng. Muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải thần tốc thực hiện tiến trình vắc xin. Khi đã bao phủ được vắc xin, có các loại thuốc điều trị được cấp phép, cộng với ý thức người dân, chúng ta sẽ yên tâm mở cửa.

Kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển. Hoàn thiện chương trình tổng thể phòng, chống dịch.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, giữ đơn hàng. Bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết.

Về nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp. Chỉ đạo sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt nông sản xuất khẩu, phấn đấu đạt trên 50 tỉ USD xuất khẩu nông sản. Chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản phù hợp lợi thế từng vùng, địa phương, gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Việc giải tỏa nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu, phải vừa có các biện pháp giải quyết tình thế trước mắt, vừa có biện pháp căn cơ, lâu dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc tích cực, chỉ đạo rất quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Trước các kiến nghị về vấn đề phân cấp, phân quyền; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng; xử lý các dự án tồn đọng…của các địa phương, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, các bộ, ngành, các Bộ trưởng phải hết sức chủ động để giải quyết.

Đồng thời, đề nghị HĐND các cấp, các đoàn đại biểu Quốc hội cùng các cấp chính quyền cùng nhau tháo gỡ, có tiếng nói cùng Chính phủ báo cáo, kiến nghị, thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền, đặt lợi ích chung lên trên hết để giải quyết các vấn đề này. Thủ tướng nêu rõ, tình hình càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, chung sức, chung lòng, cùng nhau phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2021…

 

Minh Nhật