Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục diễn ra ngày hôm nay (6/5), Thủ tướng nêu rõ, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải bắt đầu từ thể chế, theo tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt điểm.

leftcenterrightdel

Thủ tướng cho rằng, phải có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, đẩy lùi tiêu cực trong ngành giáo dục.  Ảnh: VGP

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để có nguồn lực con người thì ngoài truyền thống văn hóa – lịch sử của dân tộc, có vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục.

Thủ tướng cũng cho rằng, thành tích, kết quả mà ngành đạt được là rất lớn so với khả năng, điều kiện của nền kinh tế nước ta, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự tham gia của hệ thống chính trị và của nhân dân.

Thủ tướng cũng  nhấn mạnh 4 khó khăn, hạn chế rất cơ bản của ngành Giáo dục, đó là: cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Việc hoàn thiện thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Ngành cũng chưa làm tốt công tác thông tin – truyền thông, nhất là về những thành tựu, kết quả đã đạt được. Cùng với đó, nếu các vụ việc riêng lẻ, các vấn đề không được giải quyết, giải trình đến nơi, đến chốn dễ dẫn tới bức xúc trong xã hội.

Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong ngành, trong đó có tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, không thể vội vàng, nôn nóng, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Phải có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, thiết kế quy chế, quy định, công cụ luật pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong ngành, đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Đáng nói, việc phân cấp quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo căn cứ khoa học, xuất phát từ thực tiễn, vừa làm vừa hoàn thiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành Giáo dục Việt Nam trên bình diện quốc tế cũng như những bước tiến đã đạt được từ khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Song theo Phó Thủ tướng, xã hội vẫn còn có một số bức xúc với ngành, như tình trạng thiếu trường lớp ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong giáo dục…

 

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

“Chủ trương, chính sách dù được nghiên cứu kỹ cũng không thể phủ kín các góc cạnh của cuộc sống, cho nên khi triển khai phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, có bước đi phù hợp. Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền.”- Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ.

Đồng thời nhắc nhở, phải thường xuyên rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cho phù hợp với thực tiễn đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước đây. “Một ví dụ là quy định điểm trường tiểu học ở thành thị phải bảo đảm độ dài đường đi học của học sinh không quá 500m, vùng đặc biệt khó khăn không quá 2km, nhưng hiện nay giao thông đã phát triển hơn rất nhiều, quy định này có thể không còn phù hợp nữa.”- Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển quan hệ hữu cơ giữa học sinh - nhà trường - giáo viên. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.

Bộ GD&ĐT cần quan tâm công tác truyền thông, tăng cường công khai, minh bạch để người dân hiểu, chia sẻ, thông cảm và đóng góp ý kiến cho ngành, phản ánh trung thực, đầy đủ các vấn đề một cách khách quan. Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Thủ tướng cũng yêu cầu, Ngành cần hoàn thiện kịch bản chống COVID-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, đồng thời là cơ sở kinh nghiệm để ứng phó những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu một số khó khăn, thách thức với ngành như:

Chủ trương xã hội hóa và khả năng triển khai thực tế còn vướng mắc. Việc triển khai Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học còn khó khăn, vướng mắc do thiếu đồng bộ về chính sách, có những quy định chưa đồng bộ với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết, cả nước vẫn thiếu 95.000 giáo viên; việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.


Minh Nhật