Chiều ngày 18/6, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận tổ chức khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang- Cam Lâm (Khánh Hòa), Vĩnh Hảo- Phan Thiết (Bình Thuận), thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020.

Lễ khánh thành được thực hiện theo hình thức trực tuyến với điểm cầu tại km33+800, dự án Nha Trang- Cam Lâm và điểm cầu tại km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo- Phan Thiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ Khánh thành tại điểm cầu Cam Lâm, Khánh Hòa.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, tổng chiều dài 654 km, trong đó 8 dự án dài 477 km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dài 177 km.

Hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 6 dự án dài 425 km, trong đó mới nhất là 2 dự án Nha Trang- Cam Lâm, Vĩnh Hảo- Phan Thiết.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành 2 dự án tại điểm cầu Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: NH.

Dự án Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km nằm phía Nam tỉnh Khánh Hòa, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng vốn đầu tư hơn 5.524 tỉ đồng, do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư, được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), trong đó vốn Nhà nước khoảng 2.967 tỉ đồng, nguồn vốn của nhà đầu tư khoảng hơn 2.556 tỉ đồng.

Dự án được khởi công tháng 9/2021, có điểm đầu tại km 5+783, trùng với điểm cuối dự án thành phần Vân Phong- Nha Trang; điểm cuối km 54, trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dự án đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km, phía Bắc tỉnh Bình Thuận, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h (giai đoạn hoàn chỉnh 100-120km/h), tổng mức đầu tư 10.854 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 9/2020.

Dự án có điểm đầu tại km 134, xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận, kết nối với dự án Cam Lâm- Vĩnh Hảo; điểm cuối tại km 235, xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, kết nối với dự án Dầu Giây- Phan Thiết.

Trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, cả 2 dự án đã rơi vào thời điểm có những khó khăn khách quan phát sinh, bao gồm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, địa hình, địa chất phức tạp đòi hỏi phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật; giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến,...

leftcenterrightdel
  Một đoạn cao tốc Nha Trang- Cam Lâm. Nguồn: Sơn Hải Group.

Ngoài ra, nguồn vật liệu xây dựng thông thường cho đến năm 2023 vẫn còn thiếu; thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ,…

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng thông thường.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn thách thức để giải quyết những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền…

Trong khi các nhà đầu tư, nhà thầu cũng hạ quyết tâm, nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh thi công 3 ca, 4 kíp, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, hiện đại giúp giảm thời gian thi công.

Đến ngày 19/5, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác. Riêng dự án Nha Trang- Cam Lâm đã về trước tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.

leftcenterrightdel
  Cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết trong ngày thông xe. Ảnh: V.Hiệp.

Hai công trình hoàn thành giúp kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho QL 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, cũng như sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, một phần của trục giáo thông Bắc- Nam, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước, đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ  TP Hồ Chí Minh - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho QL1, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận nói riêng; kích cầu du lịch góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và đất nước nói chung.

Thủ tướng cho biết, trước nhiều khó khăn mà 2 dự án gặp phải trong quá trình thi công, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã tập trung thời gian để chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần “Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn lớn, góp phần giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ.

V.H