Ngày 29/4, thông cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, sáng cùng ngày, Bộ chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bình Thuận, Thanh Hóa chính thức tổ chức khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu, điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (thuộc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).

Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình (khoảng 14,35 km), Thanh Hóa (khoảng 49 km).

Dự án có điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối (Km337+478,11 trùng với điểm đầu Dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h (Tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN5729-2012), giai đoạn phân kỳ thiết kế vận tốc 80km/h. Quy mô mặt cắt ngang: Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh: 6 làn xe bề rộng B nền = 32,25m; Quy mô giai đoạn phân kỳ: 4 làn xe bề rộng B nền =17m.

leftcenterrightdel
 Một đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Nguồn: TP.

Dự án đi qua địa phận các huyện Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình và các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa. Dự án thành phần ĐTXD đoạn Mai Sơn - QL 45 dài 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.

Tổng mức đầu tư dự án 12.111 tỉ đồng, do Ban QLDA Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.

Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.

Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận (khoảng 47,5km),  Đồng Nai (khoảng 51,5km).

Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

leftcenterrightdel
 Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây nhìn từ trên cao. Nguồn: TP.

Đoạn tuyến thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120km/h. Đoạn tuyến nối cao tốc với QL1A xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe bề rộng B nền =32,25m; quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe + 2 làn dừng khẩn cấp bề rộng B nền =25m.

Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai.

Tổng mức đầu tư dự án 12.577,5 tỉ đồng, do Ban QLDA Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TPHCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam.

Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

V.H