Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường ngày hôm nay (15/5).

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế. Ảnh:VGP 

Xây dựng ngành Y tế công khai, minh bạch

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những các ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. “Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục những nhược điểm, hạn chế, bất cập trong phòng, chống dịch, phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch. Tích cực hơn nữa hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về công tác này.

Thực hiện cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Đã nhiều lần phân tích cụ thể về vấn đề này, tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục làm sâu sắc thêm nội hàm của khái niệm “chủ động tấn công” để các bộ, cơ quan, địa phương và toàn dân nắm vững, triển khai thực hiện.

Cụ thể, chủ động tấn công là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm các ca bệnh.

Thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, đúng ưu tiên.

Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh với yêu cầu đa dạng hơn, phong phú hơn, nhiều hình thức hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình, với các đối tượng khác nhau.

 Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh 8 nhiệm vụ đột phá, cụ thể như: xây dựng ngành Y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng việc.

Ngoài ra, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển y tế số, kinh tế y tế số, coi trọng công tác đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu và vị trí việc làm. Đặc biệt, coi trọng công tác truyền thông, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch và  trách nhiệm giải trình…

 

leftcenterrightdel
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh 8 nhiệm vụ đột phá của ngành Y tế. Ảnh:VGP 

 Đến năm  2030, đưa Y tế Việt Nam vào top 30 thế giới

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19, và các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Y tế nhận định, số lượng các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1. Số ca mắc có thể tiếp tục xuất hiện do còn nhiều F1 đang tiếp tục được truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác, nhất là các địa phương có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ vừa qua do nguồn lây bệnh chưa phát hiện được hoặc từ nguồn nhập cảnh chưa được phát hiện.

Để kịp thời đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, đang sử dụng chiến lược xét nghiệm kết hợp giữa các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau. Chỉ đạo các địa phương rà soát, bảo đảm công suất xét nghiệm trên quy mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu (đơn)/1 triệu dân/ngày; tăng cường năng lực xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh đạt tối thiểu 300 giường bệnh có 1 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Tính đến ngày 13/5, cả nước đã triển khai tiêm được 969.730/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỉ lệ 106%.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 và bố trí nguồn lực thực hiện.

“Bộ đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Tổng số vaccine mà Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều. Tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, các tổ chức để có thêm các nguồn vaccine cho Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Đồng thời, Bộ đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, đưa y tế Việt Nam vào top 30 thế giới. Về tổ chức, bộ máy, Bộ trưởng khẳng định sẽ sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Đáng chú ý, sẽ hình thành cơ quan kiểm soát bệnh tật 2 miền.

Minh Nhật