Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án rất đa dạng, có chiều hướng gia tăng cả trong và sau phiên tòa, đôi khi rất khó xác định ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm... Bên cạnh đó, có quá nhiều quy định xử lý có liên quan nằm rải rác trong các văn bản luật và dưới luật khác, do đó quy định thế nào để vừa cụ thể, vừa đầy đủ, lại không chồng chéo với các quy định đã có …để dễ dàng cho việc áp dụng. Nhằm giải quyết vấn đề này, dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND vừa được TANDTC xây dựng.
 


Chưa xác định được hành vi cản trở?

Theo Điều 1 dự thảo Pháp lệnh thì quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp (sau đây gọi chung là Tòa án) kể từ khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền cho đến khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Với phạm vi này, dự thảo Pháp lệnh chưa xác định rõ các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là xử lý theo trách nhiệm gì: trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, hay trách nhiệm dân sự? Riêng về hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động tố tụng của Tòa án thì chưa được quy định cụ thể.

Với quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, dự thảo Pháp lệnh đã chưa làm rõ được các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là hành vi thuộc loại vi phạm nào? Có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không? Đồng thời, chưa xác định rõ các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án cụ thể ra sao. Có bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính hay không, cụ thể là các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, hành chính và dân sự cũng chưa được cụ thể hóa.

Báo cáo nghiên cứu cho rằng, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, xác định là hành vi vi phạm hành chính, xảy ra trong phạm vi hoạt động tố tụng của Tòa án, mục đích nhằm cản trở Tòa án giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng. Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Pháp lệnh này cần phải được xác định lại. Việc quy định xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án phải được đặt trong mối quan hệ khăng khít với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

Một nội dung quan trọng khác là đối tượng điều chỉnh, thì trong dự thảo chưa quy định về đối tượng điều chỉnh cụ thể mà chỉ quy định về đối tượng và hình thức bị xử lý (Điều 4). Chưa chỉ rõ đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh gồm những ai, cơ quan, tổ chức nào. Có thể xác định cụ thể đối tượng điều chỉnh gồm: Tòa án các cấp (Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp) là cơ quan tiến hành tố tụng; những người tiến hành tố tụng của Tòa án bao gồm: Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án; những người tham gia tố tụng tại Tòa án; những người tham gia tố tụng khác tại Tòa án; cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện một số hành vi tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng do Tòa án yêu cầu phục vụ cho việc giải quyết vụ việc.

Đơn cử, tại Điều 16 dự thảo Pháp lệnh quy định 8 hành vi cụ thể được coi là cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, trong đó khoản 9 là các hành vi khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các hành vi khác theo quy định của pháp luật là những hành vi nào thì vẫn “mập mờ”. Mặt khác, ngay cả 8 hành vi đã được quy định trong dự thảo cũng chưa thực sự cụ thể.

Về chế tài, mức phạt đối với một số hành vi được nêu trong dự thảo Pháp lệnh còn chênh lệch đến hàng chục triệu đồng, vậy thì căn cứ vào đâu để xác định được mức phạt hợp lý?

Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tất cả các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, chứ không chỉ xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, hay không cũng là điều đang được bàn thảo.

 “Làm khó” báo chí?!

Tại điểm e khoản 1 Điều 17 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Tòa án - nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”. Nếu có tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, tái phạm; lôi kéo, xúi giục người chưa thành niên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án... thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung như: buộc rời khỏi phòng xử án, tịch thu tang vật, phương tiện...

Nhiều ý kiến cho rằng, về quyền của nhà báo tại Tòa án, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai...”. Theo quy định này thì cơ quan xét xử phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc TANDTC đề xuất quy định xử phạt hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa nếu không có văn bản chấp nhận của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án là ngược lại với những quy định hiện hành về quyền và nghĩa vụ của nhà báo (Luật Báo chí và Nghị định của Chính phủ). Nếu quy định này có hiệu lực pháp luật thì hoạt động báo chí tại các phiên tòa sẽ bị hạn chế vì xuất hiện cơ chế "xin - cho", trong khi đó các quy định của pháp luật lại không quy định rõ trường hợp nào thì Chánh án hoặc chủ tọa phiên tòa cho phép, trường hợp nào không cho phép…
 

Hà Nhân