Sự cố mất điện gây ra việc mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất bước đầu xác định do nhân viên kỹ thuật thao tác sai.
 
 
Khi chuyển sang điện máy phát, bộ phận kỹ thuật phát hiện 1 trong 3 UPS bị hỏng, phải cắt tải để khắc phục. Chiếc UPS này đã từng bị trục trặc tương tự vào các ngày 13 và 18/11 và đã được xử lý thành công. Tuy nhiên, trong lần vận hành này, kíp trưởng Lê Trí Tình đã thao tác sai nên gây sập hệ thống.
 
Công ty quản lý bay Việt Nam cho biết thêm, mặc dù trên cả 3 bộ UPS đã ghi rõ cảnh báo nguy hiểm: Nếu ấn nút cắt tải trong trường hợp đấu nối song song sẽ ngắt toàn bộ thiết bị ra khỏi hệ thống. Do không nắm kỹ cảnh báo này, Kíp trưởng chưa thực hiện cô lập UPS hỏng đã nhấn nút ngắt tải nên 2 UPS còn lại cũng lập tức bị ngắt điện.
 
Thời điểm này điện của hệ thống liên lạc và điện chiếu sáng được cấp trước UPS nhưng cũng bị mất cùng lúc cho dù điện lưới vẫn có. Nguyên nhân do điện chiếu sáng và điện liên lạc được đấu qua hệ thống chuyển mạch cũng bị ảnh hưởng từ các thiết bị UPS.
 
Trước sự cố này, Kíp trưởng đã cố gắng đấu lại điện máy phát song lo ngại không an toàn cho hệ thống thiết bị không lưu nên vẫn cố gắng đấu lại qua 2 UPS không bị hỏng nên vẫn bị tự động ngắt ra.
 
Theo quy định, đi thao tác phải có 2 người để giám sát, kiểm tra chéo nhưng vì kíp trưởng trực tiếp thực hiện nên nhân viên trực kỹ thuật điện không có ý kiến gì. Chỉ đến khi đấu nối nhiều lần không thành, bộ phận kỹ thuật mới quyết định đấu trực tiếp điện máy phát vào hệ thống thiết bị không lưu. Do đó, thời gian sập mạng bị kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Nếu làm đúng theo quy trình có thể chỉ cần 20 phút.
 
Trước đó ngày 23/11, ông Đinh Việt Thắng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Trần Công - Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam và ông Lê Văn Tính - Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật- ông Nguyễn Quốc Phú - Phó Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật của Công ty Quản lý bay miền Nam.
 
Ba người trên bị đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23/11/2014) để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xẩy ra sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ sở Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất vào ngày 20/11 vừa qua.
 
Tại cuộc họp vào ngày 21/11, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam khẳng định: "Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra và đe dọa an toàn ngành hàng không".
 
Người đứng đầu Cục hàng không Việt Nam đánh giá, an toàn hàng không luôn là ưu tiên số 1, là sự sống còn của ngành hàng không. 
 
Việc đảm bảo an toàn, đảm bảo kỹ thuật là yếu tố đầu tiên của chất lượng dịch vụ. Việc nâng cao chất lượng an toàn, đảm bảo kỹ thuật sẽ giúp giảm tình trạng chậm chuyến... Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến vấn đề an toàn hàng không.
 
Theo ông Thanh, tại thời điểm xảy ra sự cố mất quyền điều hành bay, có 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của ACC/HCM trên tổng số trên 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố. Nhiều tàu bay trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.
 
Hiện nay tổ điều tra của Cục Hàng không cũng đang tiếp tục điều tra làm rõ sự cố nói trên.
 
Theo VTC News
.