(BVPL) - Trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP có 2 chỉ số liên quan tới cơ quan tư pháp là: Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại và giải quyết phá sản doanh nghiệp. Nghị quyết 19 yêu cầu: Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với TANDTC hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại và phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hoá thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian tranh chấp thương mại.

 


Thời gian giải quyết tranh chấp thương mại còn tối đa 200 ngày

Tại Hội thảo “Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) để cải thiện môi trường kinh doanh” do Ủy ban Tư pháp Quốc hội phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và TANDTC tổ chức, trên cơ sở phân tích chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới, bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm bảo đảm thực thi hợp đồng tại Toà án, các chuyên gia và đại biểu đã thảo luận, đề xuất để hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) cần rút ngắn thời gian trong mỗi thủ tục tố tụng, áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến, xây dựng mô hình “một cửa” để tiếp nhận đơn...

Theo Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, thủ tục tố tụng yêu cầu phải chặt chẽ, cơ quan Tòa án xác định giai đoạn này là rất quan trọng. Dự thảo chia làm hai bước thụ lý đơn: Khi nhận đơn, xử lý đơn trong thời hạn 5 ngày và sau khi thụ lý đơn chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử. Dự thảo quy định thời hạn 5 ngày để Thẩm phán xử lý, nếu Thẩm phán thấy đúng thì thụ lý, hoặc yêu cầu bổ sung đơn. Cơ chế này không làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án cần thụ lý.

Hiện nay, theo quy định của BLTTDS, thời gian nhận đơn đến thời điểm trước khi thụ lý là trên 75 ngày, không tính đến thời gian giải quyết vụ việc, nhiều trường hợp dài hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, doanh nghiệp. Theo dự thảo BLTTDS sửa đổi thì khi toà án nhận đơn khởi kiện nhưng chưa thụ lý. Do chưa thụ lý nên vụ án không bị ràng buộc bởi các thời hạn về tố tụng khác và Toà án cũng chưa thu án phí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng người nộp đơn không có trách nhiệm nên tạo ra thêm công việc của toà án nhưng cũng gây ra khó khăn trong việc nộp đơn khi mà Toà án không muốn thụ lý vụ án. Ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phản ánh: Dự thảo Bộ luật cần sửa đổi thủ tục nhận đơn theo hướng thời điểm Toà án nhận được đơn kiện thì tính là thời điểm thụ lý vụ án”, ông Lượng nói. Theo ông Tưởng Duy Lượng, việc sửa đổi như trên sẽ đề cao trách nhiệm cả Toà án và đương sự.

Căn cứ theo quy định của BLTTDS, thời gian giải quyết tranh chấp thực tế ở Việt Nam là 400 ngày. Trong khi Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra cắt giảm thời gian giải quyết tranh chấp thương mại xuống còn tối đa 200 ngày, bao gồm quá trình xem xét đơn kiện, thụ lý, xét xử và thi hành án. Theo đại diện CIEM, nếu muốn giảm thời gian giải quyết tranh chấp thì ngoài các biện pháp cải cách tư pháp khác, dự thảo Bộ luật cần sửa đổi theo hướng giảm số lượng ngày trong mỗi thời hạn tố tụng. Dẫn chứng việc chuyển giao bản án từ tòa án sang cơ quan thi hành án theo bản án do dự thảo BLTTDS sửa đổi là 30 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực là quá dài (45 ngày), theo ý kiến của nhiều đại biểu, riêng thời hạn cho một thủ tục cấp bản án chiếm ¼ tổng số thời gian của Nghị quyết là bất hợp lý.


Bảo đảm việc thực thi hợp đồng là yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Đoàn LS Hà Nội, để thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, cần có thủ tục tố tụng đơn giản để giải quyết các tranh chấp nhỏ, chứng cứ rõ ràng; cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; cho phép thỏa thuận giữa các đương sự trước khi xét xử để các bên có thể hòa giải, kết thúc vụ việc…

Triển khai hệ thống quản lý vụ án điện tử

Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cả 6 quốc gia dẫn đầu về môi trường kinh doanh của ASEAN đều áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện điện tử và tùy theo hệ thống trực tuyến, nhiều nước cho phép thanh toán án phí, thông báo tình trạng xử lý vụ án, công khai bản án và gửi bản án đương sự qua hệ thống điện tử. Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 TAND cấp tỉnh và TANDTC đã có cổng thông tin điện tử; cổng thông tin điện tử của TAND TP. Hồ Chí Minh đã có chức năng nhận hồ sơ trực tuyến.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, hệ thống quản lý vụ án điện tử sẽ giúp cho lãnh đạo Tòa án, Thẩm phán quản lý được thời gian giải quyết vụ án, các công đoạn, hành vi tố tụng mà Thẩm phán cần phải thực hiện. Như vậy, hoạt động tố tụng công khai ra bên ngoài, người dân được thuận tiện khi làm việc với Tòa án; đồng thời rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp và giảm chi phí của đương sự. BLTTDS hiện hành và Dự thảo sửa đổi đều không bắt buộc Tòa án khi nhận hồ sơ phải cấp giấy hẹn hay giấy biên nhận mà chỉ ghi vào Sổ nhận đơn. Điều này dẫn đến tình trạng công dân nộp đơn, tài liệu, chứng cứ nhưng không có giấy hẹn, giấy biên nhận nên phải đi lại nhiều lần để biết đơn của mình có được chấp nhận hay không. Đáng nói hơn, nếu không may bị mất đơn hoặc hồ sơ, người dân không có bất kỳ chứng cứ nào để có thể khiếu nại và mất quyền khởi kiện nếu hồ sơ không được nhận và thụ lý vì một lý do nào đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đơn giản hóa yêu cầu “có con dấu” trong đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức vì theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì việc sử dụng con dấu do doanh nghiệp quyết định và thực tế các tổ chức, DN nước ngoài không có dấu.
 

Hà Nhân

.