Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp với Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm COVID-19 khi trở lại trường, diễn ra chiều nay (8/2).

leftcenterrightdel

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm COVID-19 khi trở lại trường. Ảnh:VGP

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, cuộc chiến chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Nhất là khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vắc xin và nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh, đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn, cũng như cần đặc biệt chú ý.

Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vắc xin, trong đó tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng học sinh để đưa các em trở lại trường. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo để đảm bảo an toàn trường học, nhất là tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng sinh hoạt trong cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường.

Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, các địa phương đã thực hiện các yêu cầu chung để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường như: tiêm vắc xin; tập huấn các tình huống để xử trí khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học, trường học; có kinh nghiệm điều trị các ca nhiễm COVID-19 là trẻ em…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhà khoa học, các lực lượng phòng, chống dịch vẫn phải lường đến những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, độc lực không thấp hơn đáng kể so với các chủng virus hiện tại, thậm chí có những biến chủng có thể "lẩn tránh" vắc xin, thuốc điều trị...

Đáng chú ý, mặc dù đến nay tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19, số ca bệnh diễn biến nặng thấp nhưng vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc. Bên cạnh đó, hiện các loại thuốc điều trị COVID-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em.

Khi 20 triệu học sinh trở lại trường thì số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên, bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K… Đặc biệt, vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường khi về gia đình có thể lây bệnh cho người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi hơn và phụ nữ mang thai, những đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin COVID-19.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa thông tin thêm số ca mắc COVID-19 sau Tết dự báo tăng cao, do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết nhiều, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già và chưa tiêm vắc xin. Nhóm đáng lo ngại nhất là trẻ sơ sinh và trẻ chưa tiêm vắc xin, do đó, cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Phó Thủ tướng cho hay, Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ trung ương xuống địa phương, nhất là không được để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến, gây quá tải. Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo rà soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, cơ chế phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca nhiễm trong trường học…