Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, diễn ra chiều 16/3 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa lồng ghép được các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa đạt hiệu quả cao.

leftcenterrightdel
 Theo Phó Thủ tướng, cần chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh:VGP

Đồng thời lưu ý, cần chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi trong thực tiễn nhiều trường hợp vi phạm do không hiểu biết pháp luật.

Các bộ, ngành, cơ quan là thành viên của Hội đồng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình kiểm tra, giám sát phải định lượng được những việc đã làm được, tránh đánh giá chung chung, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực.

“Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, điều quan trọng nhất là phải đổi mới, đa dạng cách làm, nội dung phải hấp dẫn mới đạt hiệu quả cao. Thực tế đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động trong những năm chống dịch COVID-19 vừa qua.”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành viên của Hội đồng là đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội là thành viên của Mặt trận tăng cường tổ chức đối thoại về chính sách pháp luật với nhân dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời lắng nghe ý kiến phản biện để kịp thời xây dựng, điều chỉnh chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp phối hợp khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư 14/2014/TTLT-BTC-BTP và Thông tư 100/2014/TTLT-BTC-BTP với tinh thần mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục, và nâng mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bởi đây là những đối tượng trẻ cần được trang bị kiến thức pháp luật từ sớm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hướng dẫn dành nguồn lực của công tác chuyển đổi số cho lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, do đây là cách làm mang lại hiệu quả cao.

Các cơ quan truyền thông tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật bằng những chuyên mục, các cuộc đối thoại, giải đáp pháp luật, chú trọng hướng đến bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại phiên họp để ban hành thông báo kết luận của phiên họp với tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, làm cơ sở cho việc triển khai trong thời gian tới.

 

PV