(BVPL) - Mới đây tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành phiên họp thứ 15 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Tham dự phiên họp thứ 15, về phía VKSNDTC có đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp. |
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án chi tiết đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và một số vấn đề quan trọng của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Đề án chi tiết về tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp và dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”. Liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp, Đề án do đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC trình bày cho thấy, việc triển khai xây dựng “Đề án chi tiết về tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp” là hết sức cần thiết nhằm báo cáo một cách đầy đủ, cụ thể tổ chức và hoạt động của từng cấp kiểm sát; đồng thời, chi tiết các phương án đổi mới VKSND cấp huyện, xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc thành lập VKSND cấp cao để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Về đề xuất phương hướng đổi mới một số vấn đề chung liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp bao gồm các nội dung: xây dựng hệ thống VKSND 4 cấp và xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp kiểm sát; về cơ cấu của VKSND các cấp; về thể chế hóa một số yêu cầu của Đảng liên quan trực tiếp đến hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND; về chế định Kiểm sát viên. Về nội dung cơ bản của Đề án gồm các vấn đề: đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND cấp huyện; về tổ chức và hoạt động của VKSND cấp tỉnh; về tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao; về tổ chức và hoạt động của VKSNDTC.
Về những vấn đề mới, cơ bản của dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), theo VKSNDTC thì dự thảo Luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc xác định VKSND là một thiết chế kiểm soát quyền lực; có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tổ chức và hoạt động trên cơ sở nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo của Viện trưởng VKSNDTC; Kiểm sát viên hoạt động tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng; bổ sung các nguyên tắc tố tụng mới liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận 79-KL/TW, Kết luận 92-KL/TW. Cùng với đó dự thảo Luật đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002 đồng thời tạo cơ sở pháp lý toàn diện, rõ ràng cho việc triển khai thực hiện các hoạt động của VKSND.
Hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng VKSNDTC, Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các cơ quan chuẩn bị các đề án, dự thảo luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, bổ sung các lập luận có cơ sở khoa học và thực tiễn, nâng tầm của các dự thảo luật, đồng thời cần chỉnh lý các dự thảo này theo hướng mở, những vấn đề lớn cần trình 2 phương án, có lập luận khoa học và thuyết phục đối với mỗi phương án được lựa chọn; những vấn đề mới phát sinh cũng cần quan tâm, nghiên cứu, cân nhắc kỹ trên cơ sở phù hợp với đường lối của Đảng và Hiến pháp; các dự thảo Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức VKSND cần sớm hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014).
Văn Tình