leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống pháp luật.        Ảnh: Minh Nhật

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng hơn. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.

Xây dựng pháp luật là “bệ đỡ” cho đất nước phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi; thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành.

“Xây dựng pháp luật chính là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững”, Thủ tướng nêu rõ. Đồng thời cho rằng, công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống vẫn còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng nợ đọng quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để...

Từ những nhận định đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Theo đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. “Tại phiên họp Chính phủ hàng tháng, tôi yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phải báo cáo Chính phủ, công khai những bộ, cơ quan có liên quan nợ đọng”- Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các cơ quan TAND tối cao, VKSND tối cao tiếp tục quan tâm, cùng với các bộ, ngành trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật.

Cần chuyển đổi tư duy, nhận thức trong thực thi pháp luật

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thời gian qua chúng ta đã có được một hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, công khai, minh bạch hơn; tạo dựng được hành lang pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật còn những bất cập, hạn chế, yếu kém. Trong đó, nổi lên là hệ thống pháp luật còn những quy định chưa đồng bộ, tính khả thi của một số dự thảo được xây dựng chưa cao; tính ổn định của một số luật, pháp lệnh còn hạn chế do điều kiện khách quan trong phát triển; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo… Đây là những vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục rà soát, khắc phục, hoàn thiện, bổ sung.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực thi pháp luật hiện còn là khâu yếu. “Có những việc vi phạm pháp luật rất “hồn nhiên”, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, nhất là về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…”- ông nói.

Từ đó, ông đề nghị, phải chuyển đổi tư duy, nhận thức trong vấn đề này, bởi trong một xã hội mà mọi người tuân thủ pháp luật thì xã hội đó phồn vinh và phát triển.

Việc xây dựng pháp luật cần bám sát vào Nghị quyết của Đảng để tập trung vào những trọng tâm lớn, Đặc biệt, trong thi hành pháp luật, cần tiếp tục đổi mới, thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của cá nhân, tổ chức trong tuân thủ và thực hiện pháp luật.

Minh Nhật