Đất nước đạt được nhiều thành tựu nổi bật

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối đầu với những thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất, nhưng chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Việt Nam được coi là 1 trong 12 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội sáng 10/11. 

Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất. Năm 2020, Việt Nam vẫn kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Thủ tướng nhắc lại bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đối phó dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…

Thủ tướng cho biết 6 năm qua chúng ta đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp...

Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu áp dụng tái phong tỏa, vì vậy chúng ta không được chủ quan lơ là, đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vaccine…, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội.

Phải có ý chí và quyết tâm hành động

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống hàng triệu người dân ở miền Trung. Ngay giờ phút này (thời điểm Thủ tướng phát biểu lúc 10h30 sáng 10/11 – PV), bão số 12 đang đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nhiều người dân đã bày tỏ sự cảm động, cảm phục về những cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, lực lượng quân đội, công an, các lực lượng phòng chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… thực hiện kiên quyết phương châm 4 tại chỗ về phòng chống lụt bão. Trong đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại gian khổ, hy sinh quên mình để giúp đỡ nhân dân vượt qua bão lũ. Tình đồng bào đồng chí, thắm thiết đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, truyền thống của dân tộc.

Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, sửa chữa nhà ở, các công trình để nhanh chóng khôi phục đời sống, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội. Chính phủ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân chủ quan, khách quan qua đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung và sẽ tập trung các giải pháp khắc phục những bất cập hạn chế đối với hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường năng lực dự báo, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai.

Thủ tướng cho biết, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn... Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350 nghìn doanh nghiệp mới, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm, hàng triệu việc làm được tạo ra trên cả nước…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 10/11.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những bất cập trong cơ chế chính sách, xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm cần quan tâm. Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

Giữ vững nền kinh tế trong bối cảnh COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn về nhiều vấn đề thời sự, được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận quan tâm. Qua đó, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trực tiếp, nhiều lần trình bày, trả lời các câu hỏi với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 và thời gian tới.

Trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và nhiều đại biểu khác về mục tiêu kép mà Việt Nam đang triển khai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, ngay giờ đây ở Campuchia, Nhật Bản, các nước Châu Âu… dịch đã quay trở lại với tốc độ cao.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên làm việc sáng 10/11 của Quốc hội.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta đưa ra mục tiêu mục tiêu kép, đó là ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt sức khỏe cho nhân dân. Đây là nhiệm vụ ưu tiên suốt từ đâu có dịch COVID-19 đến nay ở Việt Nam. Để có thể giữ được đất nước không bị tăng trưởng kinh tế âm, chúng ta phải giữ vững ổn định xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải quyết việc làm và tăng trưởng ở mức cần thiết.  

Để giải quyết mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng cần phải thực hiện một số mục tiêu sau: Trước hết là một tinh thần đề cao tự lực, tự cường xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua cũng cho thấy chúng ta thực hiện các hiệp định và thúc đẩy phát triển, chúng ta đã xuất siêu đến giờ phút này gần 20 tỷ đô la.

Đây là một cố gắng rất lớn, bây giờ phải tiếp tục phát huy tinh thần này và đẩy mạnh thị trường trong nước cùng với xuất khẩu, giữ vững sản xuất nông nghiệp, bởi nông nghiệp là nền tảng và đặc biệt là chỗ dựa trong lúc dịch bệnh của toàn cầu.

Cho nên về chiến lược ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phải đồng thời phát triển, tạo cân đối nền kinh tế. Nông - lâm nghiệp, công nghiệp kết hợp với nền kinh tế số và một số ngành du lịch, dịch vụ, lưu thông, phân phối, tiếp thị để hiện đại hóa.  

“Đặc biệt ngành du lịch, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh cho nên việc phát triển tại chỗ như homstay... những hình thức này rất cần thiết bởi dân số của chúng ta đông là một tiềm lực mà chúng ta cần phát huy” - Thủ tướng khẳng định.

Vũ Cảnh