leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3 (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân). 

Tại sao không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu?

Phát biểu chất vấn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại. Đại biểu cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.

leftcenterrightdel
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu chất vấn (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).  

Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.

Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, đối với Ấn Độ, Thái Lan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt… Đại biểu cho rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.

Đồng tình với nhận định công cụ điều hành giá, nhất là giá xăng dầu thì phải dùng đến quỹ bình ổn, sau đó đến thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành công thương cũng rất cân nhắc. Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công thương thấy rằng tình hình rất căng thẳng khi biến động giá thế giới như thế này mà xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Ở đây thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).  

Bộ trưởng Diên cho biết, trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, Bộ Công thương đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp.

Bộ trưởng Diên cho biết, mô hình của chúng ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là những mặt hàng này phải có sự quản lý của nhà nước. Mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia mà là giải quyết bài toán trước mắt.

Ông Diên cho biết thêm, nếu chờ Quốc hội sửa luật vào tháng 5 và có hiệu lực thi hành từ tháng 6 tháng 7, lúc đó đã hết quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày như hiện tại thì công tác điều hành vô cùng khó khăn.

Có hiện tượng “găm” hàng từ vĩ mô hay không?

Phát biểu chất vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế: Khi hỏi các đại lý xăng dầu trên địa bàn thì được biết do nguồn cung của nhà điều hành ở cấp vĩ mô không đưa xuống, nên đại lý không có hàng để bán. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý?

leftcenterrightdel
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu chất vấn (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân). 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Về việc có hàng hay không, Bộ trưởng cũng cho rằng, “truy đến cùng thì các cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn. Nghi Sơn dừng đột ngột thì các cửa hàng này cũng không dễ nhận xăng dầu từ các đơn vị cung cấp khác”. 

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Công thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng sử dụng hàng nhập của các đơn vị cung ứng khác, đồng thời, tiến hành thanh kiểm tra 33 đơn vị nhập khẩu xăng dầu, có kết quả bước đầu, song “chưa có đủ căn cứ, dữ liệu, thực hiện đủ các quy trình nên chưa báo cáo cụ thể được”.

Tinh thần chung được “tư lệnh ngành” Công thương nhấn mạnh, đó là “nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật, mà hình thức xử phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh”. Ông Diên cũng khẳng định “không có hiện tượng găm hàng” từ vĩ mô như đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi. 

Cần tách bạch dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia

Cũng tại phiên làm việc, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), đại biểu Trịnh Lam Sinh (An Giang) quan tâm với việc, doanh nghiệp thương nhân xăng dầu đã thực hiện đúng việc dự trữ xăng dầu theo quy định 20 ngày chưa.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay vừa dự trữ lưu thông doanh nghiệp, vừa có nhiệm vụ dự trữ quốc gia thì được hưởng ngân sách từ việc bảo quản xăng dầu.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3 (ảnh: quochoi.vn). 

"Các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Không thể nói thiếu hàng một, hai ngày mà mất nguồn cung, không có xăng để bán được" – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và đề nghị Bộ trưởng Công Thương giải thích.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ đúng hay không, ông Diên nói "đây là ẩn số".

"Nếu sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thì việc việc vận hành sẽ tốt hơn. Trong bối cảnh thế giới thế này phải dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm, thì lúc khó mới có cái dùng", ông nêu.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 16/3 (ảnh: quochoi.vn). 

Về dự trữ xăng dầu quốc gia, ông nói thêm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước 1,8-2 triệu m3 một tháng. Quy định dự trữ quốc gia hiện có đủ lượng dự trữ dùng 5-7 ngày. Cơ chế hiện nay xăng dầu phải dự trữ quốc gia, nhưng quốc gia chưa có hệ thống kho riêng, vì thế giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp đầu mối. "Đây là cơ chế bất hợp lý", ông nói.

Ông Diên cho biết, Bộ Công thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia, và nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng…

Vũ Cảnh