Đến dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; các vị tướng lĩnh, cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng…

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự buổi lễ Kỷ niệm. (Ảnh: HMC)

Tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đọc diễn văn kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Diễn văn khẳng định: Truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được hun đúc và phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”.

Với ý chí ấy, tinh thần ấy, cả nước sục sôi, toàn dân tộc ra trận hừng hực khí thế tiến công, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên những chiến công lừng lẫy.

Sau chiến dịch của quân ta ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đưa ra quyết định “tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định” được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của Sài Gòn và đúng 11h30’ cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ôn lại truyền thống những năm tháng hào hùng, bất khuất của dân tộc, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tưởng nhớ và tri ân các nhà Lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của Đảng-của dân tộc; các anh hùng liệt sỹ và đồng chí, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

TP HCM quyết tâm giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước

Trong bài diễn văn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM trải qua 45 năm đoàn kết, phấn đấu và quyết tâm cao để bảo vệ, xây dựng và phát triển Thành phố xứng đáng với vinh dự Thành phố mang tên Bác – Thành phố Hồ Chí Minh.

Bám sát thực tiễn, vận dụng đường lối chính sách của Đảng, sau những năm giải phóng, TP HCM đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 1982, 2002 và năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết xác định vị trí và tầm quan trọng của TP HCM; đặc biệt năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Đây là quyết sách quốc gia kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 35 năm đổi mới.

45 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước, TP HCM đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, kinh tế thành phố luôn có mức tăng trưởng cao nhất và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Thành phố cũng đóng góp 23% vào tổng sản phẩm và 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải tiến, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất bình quân của cả nước.

Đây cũng là Thành phố đầu tiên có quyết định xây dựng TP HCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2025 đang được triển khai tích cực. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng phát triển; chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú trọng.

Tuy nhiên, với vị trí, vai trò và tiềm năng của Thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, việc phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế; việc giám sát của nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao; chưa phát huy hết nguồn lực của Thành phố, của xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

leftcenterrightdel
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm. (Ảnh: HMC) 

Phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng đầu năm 2020. Theo đó, Thành phố đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện tốt công tác chăm lo người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; chung tay cùng cả nước ngăn chặn, không để dịch bệnh lây nhiễm diện rộng.

Hiện nay, Thành phố đang tích cực chuyển đổi giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội, đồng thời ngăn chặn lây lan dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Thành phố phải tiếp tục chủ động phát huy mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố về phát triển TP HCM trên các lĩnh vực.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị:

Thứ nhất: Trong điều kiện bình thường mới, các ngành, các cấp cần nghiêm túc, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, không để lây nhiễm trên diện rộng và xem đây là tiền đề tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 - 2021.

Thứ hai: Tập trung tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả; tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo cùng cả nước, vì nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Thứ ba: Tiếp tục các hoạt động triển khai chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; tổ chức tốt các hoạt động thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp.

Thứ tư: Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, trong điều kiện bình thường mới; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; phấn đấu xây dựng Thành phố là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất của cả nước; triển khai quy hoạch và xây dựng Khu đô thị tương tác cao phía Đông Thành phố; đi đầu trong tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ năm: Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; khơi dậy khát vọng của nhân dân Thành phố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy nền tảng văn hóa xây dựng gia đình hạnh phúc để Thành phố và đất nước phát triển bền vững; đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Thứ sáu: Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng số với hệ thống thông tin di động thế hệ năm; triển khai hiệu quả Dự án Đô thị thông minh.

Thứ bảy, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng trong mọi tình huống.

Thứ tám: Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đấu tranh quyết liệt ngăn chặn hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên; các cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, tấm gương về tuân thủ pháp luật, lao động và phục vụ nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác giám sát, phản biện./.

Trân Định - Nguyễn Lánh