Ngày 17/11, ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng đã kết thúc với 13 bài tham luận, trên 30 ý kiến thảo luận.

 

 Các đại biểu dự hội thảo sáng 17/11. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Các đại biểu dự hội thảo sáng 17/11. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)


Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tham dự hội thảo và các học giả đã đi sâu phân tích các nhân tố tác động tới tình hình Biển Đông, vai trò của các lực lượng hoạt động trên biển đối với an toàn và an ninh hàng hải trong khu vực, hiện trạng tranh chấp trên Biển Đông và chính sách của các bên liên quan.

Phân tích các nhân tố tác động đến tình hình Biển Đông gần đây, các học giả nhận định có bốn nhân tố lớn sau: Thứ nhất là sự thay đổi trong tính toán của một số nước về lợi ích chiến lược của các bên và cán cân sức mạnh giữa các quốc gia. Thứ hai là sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở tất các bên tranh chấp, trong đó có chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một số nước. Thứ ba là sự cạnh tranh ảnh hưởng và tập hợp lực lượng giữa các cường quốc. Và thứ tư là sự bất đồng trong việc việc lý giải và áp dụng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây và chính sách của các bên liên quan, nhiều học giả cho rằng sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông dẫn tới tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian gần đây.

Nhiều học giả cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa sẽ làm “thay đổi cuộc chơi,” làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

Theo các học giả, sự gia tăng căng thẳng gần đây tại Biển Đông không chỉ có khả năng tác động tiêu cực tới việc bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên biển tại khu vực mà còn đe dọa an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông.

Về vấn đề này, có học giả cảnh báo nghịch lý, trong khi cộng đồng khu vực rất nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, một số nước lại đang tạo ra các căng thẳng ở mức độ thấp vì tin rằng chừng nào chưa có đối đầu trực diện thì tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát.

Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì Biển Đông còn thiếu vắng một Bộ Quy tắc ứng xử hoặc một Điều ước quản lý va chạm, xung đột trên biển có tính ràng buộc pháp lý.

Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, bên cạnh các yếu tố làm phức tạp thêm tình hình khu vực, có hai yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông mà các bên cần phát huy là (1) nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế bao gồm việc đảm bảo năng lượng, quản lý và phát triển các nguồn hải sản; (2) bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên các tuyến đường vận tải biển quốc tế.

Biển Đông là một biển nửa kín với nguồn tài nguyên phong phú, trữ lượng cá dồi dào, đặc biệt trong đó có những loài cá di cư và sinh sống trong vùng biển của nhiều quốc gia. Biển Đông cũng là nơi giao thoa của những tuyến đường hàng hải tấp nập trên thế giới, có vai trò chiến lược đối với sự phát triển và thịnh vượng kinh tế của các quốc gia trong khu vực và tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu.

Đây là những tiền đề để các quốc gia thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Biển Đông.

Các lĩnh vực được các học giả nhấn mạnh cho triển vọng hợp tác là nghề cá, bảo vệ môi trường biển, an ninh, an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Nhiều học giả đánh giá cao nỗ lực thiết lập đường dây nóng giữa các bên ở Biển Đông; tuy nhiên, cho rằng việc thiết lập đường dây nóng cần kết hợp với cơ chế thực hiện cụ thể nhằm đưa đường dây nóng vào hoạt động hiệu quả.

Một số ý kiến đề xuất xây dựng Quy chế sử dụng Đường dây nóng với việc xác định rõ quy trình liên lạc, xử lý thông tin giữa người gọi và người nhận; thiết lập cơ chế “trực đường dây nóng” và các kênh kết nối “đường dây nóng” giữa các lực lượng khác nhau có mặt trên thực địa...

Với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực,” Hội thảo lần này là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm giới học giả và tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông nằm trong chuỗi Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam chủ trì từ 2009.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp, Italy và Bỉ.

Ngày mai, Hội thảo sẽ tiếp tục với bốn phiên thảo luận về quy định pháp luật quốc tế điều chỉnh về quy chế của lãnh thổ, vùng biển và vùng trời, các yêu sách tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp biển; và các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột hàng hải.

Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày mai 18/11./.
 

Theo vietnamplus

.