Sáng nay 19/5, Thanh tra TP Hà Nội chính thức công bố kết luận thanh tra vụ cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố Thủ đô. Thanh tra thành phố chỉ ra nhiều sai phạm cũng như quy trách nhiệm từng đơn vị.

 


Công tác thông tin, tuyên truyền trước và trong quá trình cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt, chưa sâu rộng nên chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân sở tại và nhân dân Thủ đô.

Trong Đề án, tiêu đề một số mục nêu chung chung, chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gãy, cây khô chết, cây mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Thanh tra Hà Nội chỉ rõ những vấn đề còn nêu quá chung chung là số lượng cây dự kiến chuyển để trồng theo quy hoạch, số cây từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại đô thị, cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường đô thị; số cây trồng thay thế, số lượng cây dự kiến trồng bổ sung mới tại các tuyến phố, tại dải phân cách… Do đó, khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể từng nội dung việc cải tạo, thay thế cây xanh theo kế hoạch, làm cho dư luận lo ngại về số lượng cây sẽ bị “chặt hạ” quá nhiều.

Vì vậy, nhiều người hiểu đây chỉ là việc “chặt hạ”, “loại bỏ” cây xanh hàng loạt, gây bức xúc trong dư luận. Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là chưa khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố.

Mặc dù đây mới chỉ là khảo sát ban đầu và kinh phí khái toán để lập Đề án; khi triển khai thực hiện phải thực hiện đầy đủ các quy trình về khảo sát, đánh giá xác định cây cần phải chặt hạ, cải tạo thay thế, trồng bổ sung, dự toán, thanh toán, quyết toàn theo quy định. Công tác thông tin tuyên truyền không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng; cho rằng thành phố có chiến dịch chặt hạ 6.708 cây xanh; đồng thời gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng…

“Trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên trước hết thuộc về Sở Xây dựng, Sở Thông tin và truyền thông và các cơ quan truyền thông của thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện, lãnh đạo UBND thành phố cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao”, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ.

Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan trên trong việc khảo sát trước khi cấp phép và việc cấp giấy phép. Việc khảo sát chưa kỹ trước khi cấp phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng (86 vị trí vướng công trình, hạ tầng), trách nhiệm thuộc Tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép.

Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, hồ sơ đề nghị cấp phép có đơn đề nghị, biên bản kiểm tra xác định tình trạng cây trước khi cấp phép đều thể hiện vị trí, loại cây, kích thước cây, lý do chặt hạ, dịch chuyển, tuy nhiên còn thiếu một số ảnh chụp hiện trạng (31 cây). Hồ sơ đề nghị cấp phép có đơn đề nghị, ảnh chụp hiện trạng cây thể hiện vị trí, loại cây, kích thước cây, lý do chặt hạ, dịch chuyển, biên bản kiểm tra xác định tình trạng cây trước khi cấp phép.

Tuy nhiên, biên bản không có thành phần xác nhận của UBND phường sở tại (4 trường hợp). Việc làm trên là chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về hồ sơ cấp phép được quy định tại Quy trình số 27/QT ban hành ngày 15/7/2011 của Sở Xây dựng về cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, dịch chuyển cây xanh. Trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng, Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng có trách nhiệm trong việc cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An thực hiện chặt hạ 19 cây, Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Vĩnh An thực hiện chặt hạ 20 cây, trong khi 2 công ty trên không phải là đơn vị được giao thực hiện chặt hạ trong giấy phép.

Trong khi đó, việc nghiệm thu, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của 3 công ty (Công ty Cổ phần Thương mại và công nghệ Bình Minh, Cty TNHH Xây dựng và thương mại Thịnh An, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Vĩnh An) thiếu thành phần xác nhận của UBND phường sở tại; do đó chưa đầy đủ thành phần quy định tại Quy trình kỹ thuật cắt sửa, chặt hạ cây bóng mát trên địa bàn thành phố.

Một số cây trồng thay thế mặc dù là loại cây thuộc danh mục cây đô thị nhưng không đúng chủng loại cây đã được cấp phép (103 cây). Việc này chưa thực hiện nghiêm túc nội dung giấy phép đã cấp, trách nhiệm thuộc về đơn vị thực hiện trồng cây và đơn vị giám sát là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh trồng trên Phố Huế 8 cây (7 cây lát hoa và 1 cây sấu) khi chưa được cấp phép mặc dù việc trồng cây trên phù hợp vị trí cần trồng, là chưa thực hiện nghiêm túc Quy trình số 27/QT ban hành ngày 15/7/2011 của Sở Xây dựng về cấp giấy phép chặt hạ, cắt tỉa, dịch chuyển cây xanh. Trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh.

Về việc chặt hạ hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, trong khi Bộ GTVT đang trong giai đoạn thi công tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông và đường hầm tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT có văn bản số 411, ngày 14/11/2014 đề nghị UBND thành phố Hà Nội xây dựng, lập phương án bảo vệ công trình dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo Thanh tra thành phố, tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú là một trong những tuyến giao thông chính, có lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn. Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai tuyến đường sắt trên cao, tuyến đường này là một trong những điểm đen về ùn tắc giao thông.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, tai nạn sập giàn giáo xây dựng gây chết người. Mặt khác, hiện trạng một số cây trên tuyến đường đã bị sâu mục, che khuất tầm nhìn giao thông, các cây nằm dải phân cách giữa làn đường xe thô sơ và làn đường ô tô làm thu hẹp làn đường, cản trở giao thông…

“Loại cây trồng trước đây chủ yếu là xà cừ (loại cây rễ ăn nông, ăn ngang) có chiều cao từ 15-20m, phát triển nghiêng về phía đường sắt trong khi khoảng cách từ vị trí cây đến tuyến đường sắt khoảng 14m, nếu cây đổ do mưa bão sẽ gây mất an toàn cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông khi đi vào hoạt động”, văn bản kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội chỉ rõ.

Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, căn cứ Luật Đường sắt về hành lang an toàn đường sắt (khoảng cách 15 m), để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, việc tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc, giảm tai nạn và xây dựng tuyến đường đẹp, hiện đại thì việc chỉnh trang, cải tạo tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, trong đó có việc cải tạo, thay thế cây xanh dải phân cách và hai bên hè của tuyến đường là cần thiết.

UBND thành phố đã có các văn bản về triển khai tuyến phố trật tự văn minh đô thị, chỉnh trang hệ thống cây xanh đô thị, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và tăng cường năng lực giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi, đảm bảo an toàn công trình đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã cấp 6 giấy phép cho phép chặt hạ, dịch chuyển và trồng thay thế, bổ sung cây trên đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, Sở Xây dựng chưa thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền theo chỉ đạo của UBND thành phố yêu cầu trước khi chặt hạ, di chuyển cây xanh, đó là cần tổ chức công khai thông tin để dư luận biết, ủng hộ; tổ chức thông tin đến các cơ quan báo đài công tác triển khai thực hiện. Vì vậy dư luận không hiểu rõ việc chặt hàng cây xà cừ là để đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông và chỉnh trang đô thị.
 

Theo Dân trí

.