Giải Nobel Vật lý năm nay đã được trao cho hai nhà nghiên cứu người Pháp và Mỹ vì đã tìm ra cách đo hạt lượng tử mà không cần phá vỡ chúng, mở hi vọng phát triển một loại máy tính mới mạnh hơn rất nhiều từ trước tới nay.
Serge Haroche, người Pháp và nhà khoa học người Mỹ David Wineland, cả hai đều 68 tuổi, đã tìm ra cách định lượng phân tử nhỏ nhất của vật chất và ánh sáng để quan sát hoạt động khác thường của nó mà trước nay chỉ có thể tưởng tượng bằng các phương trình và bằng thực nghiệm lý thuyết.
Wineland tự miêu tả công trình của mình là “trò ảo thuật”, thể như để một vật ở hai nơi trong cùng một lúc. Các nhà khoa học khác đã ca ngợi phát hiện của họ là đem đến cuộc sống giấc mơ "hoang dại nhất" về khoa học viễn tưởng.
“Hai chủ nhân của giải Nobel đã mở cánh cửa cho một kỷ nghiên thực nghiệm mới cho vật lý lượng tử, bằng cách nghiên cứu và quan sát trực tiếp được các hạt lượng tử riêng rẽ mà không phá hủy chúng”, Học viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển, cơ quan trao giải thưởng trị giá 8 triệu crown (1,2 triệu USD) cho giải Nobel Vật lý cho hay.
“Có lẽ máy tính lượng tử sẽ thay đổi cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trong thế kỷ này, quyết liệt đúng theo cách máy tính cổ điển đã làm trong thế kỷ trước”.
Theo BBC, công trình của hai nhà nghiên cứu cũng có ứng dụng to lớn cho đồng hồ nguyên tử, tạo ra thời gian chính xác ở bất kỳ đâu nhờ các vệ tinh GPS, cho các ngân hàng và cho máy tính lượng tử, có thể tạo ra một cuộc cách mạng cho máy tính.
Haroche, 68 tuổi cho biết giải thưởng “là một bất ngờ lớn”. “Tôi đang đi dạo với vợ thì nhìn thấy mã vùng điện thoại từ Thụy Điển, tôi đã đoán được”, ông cho biết với phóng viên qua một link trực tuyến ở Stockholm. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ mở sâm-panh.”
Haroche là giáo sư tại College de France và Ecole Normale Superieure ở Paris, trong khi Wineland, 68 tuổi, là trưởng nhóm tại Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ và trường Đại học Colorado ở Boulder, Colorado.
Giáo sư Sir Peter Knight thuộc Viện Vật lý Anh đánh giá “Haroche và Wineland đã tạo được bước tiến lớn lao trong quá trình hiểu mớ bòng bong lượng tử, với những thí nghiệm tuyệt vời để thấy hệ thống nguyên tử có thể được đong đếm như thế nào, để thấy những đặc tính liên kết bất thường nhất”.
Giải Nobel được trao hàng năm kể từ năm 1901, cho các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế.
Giải thưởng Nobel Vật lý đầu tiên được trao cho Wilhelm Roentgen, người Đức, vì phát hiện ra tia X-quang và tính cả năm nay, số người đoạt giải thưởng này đã lên tới 194.
Hôm qua, 8/10, giải thưởng Nobel Y học (hay Sinh học) đã được trao cho John Gurdon, người Anh và Shinya Yamanaka, người Nhật vì đã biến đổi tế bào trưởng thành thành tế bào gốc, có thể trở thành bất kỳ dạng tế bào nào trong cơ thể người.
Ngày mai 11/12, giải Nobel Hóa học sẽ được công bố, trong khi giải Văn học và Hòa bình sẽ được công bố vào cuối tuần.
Vũ Quý
Theo BBC, AP