"Lợi ích của Trung Quốc không nằm ở việc kích động một cuộc tranh chấp quân sự. Việc Trung Quốc chiếm đóng đảo không có người ở hay chiếm đoạt đảo từ quốc gia khác sẽ được xem là một hành động xâm lược".

 

Đó là nhận định của GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc nói trong tọa đàm qua internet với Tuần Việt Nam. Xin được giới thiệu toàn văn nội dung trao đổi với GS. Carl Thayer trên Tuần Việt Nam.
Trung Quốc ‘ăn miếng trả miếng’
 
Nhà báo Phương Loan: Những ngày qua, tình hình Biển Đông liên tục nóng lên với những động thái ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông: thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, bầu cử chính quyền ở đây, xây dựng đơn vị đồn trú, xua hơn 20 nghìn tàu cá ra Biển Đông...Với mong muốn cung cấp thêm thông tin cho độc giả quan tâm đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cũng như quan tâm về những diễn biến gần đây và viễn cảnh ở Biển Đông, Tuần Việt Nam tổ chức đối thoại trực tuyến với GS Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Australia, một chuyên gia về an ninh khu vực, am hiểu về Biển Đông, khu vực Đông Nam Á và TrungQuốc.
 
Rất nhiều câu hỏi đã gửi về Tuần Việt Nam, chia sẻ những trăn trở suy tư trước vận mệnh dân tộc, mối lo về khả năng một cuộc xung đột vũ trang chớp nhoáng trên Biển Đông, cũng như đau đáu trước câu hỏi chính sách nào tốt nhất cho Việt Nam trên Biển Đông trong bối cảnh một ASEAN bị thách thức vì sự chia rẽ.
 
Câu hỏi đầu tiên dành cho Giáo sư: Ông nhìn nhận như thế nào về sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua? Đằng sau những leo thang ấy là gì? Những hành xử ngày càng mang tính hiếu chiến của Trung Quốc đóng vai trò như thế nào với tư cách là tác nhân tạo nên căng thẳng?
 
GS. Carl Thayer: Ba sự kiện minh chứng cho sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong năm nay. Trước hết, đó là sự đối đầu ở bãi cạn Scarborough khi Philippines bị ngăn trở trong việc thực thi quyền tài phán ở vùng đặc quyền kinh tế của mình. Philippines bắt giữ một ngư dân Trung Quốc trong khi người này đang đánh bắt cá bất hợp pháp. Trung Quốc can thiệp bằng việc cử các tàu dân sự tới khu vực này, và sự cố này kéo dài 2 tháng.
 
Sự cố thứ hai là việc vấn đề Biển Đông nổi lên trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 4 và hội nghị ngoại trưởng ASEAN vào tháng 7. Ở cả hai dịp này, Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình lên Campuchia, nhằn ngăn việc thảo luận vấn đề Biển Đông.
 
Sự cố thứ ba là phản ứng của Trung Quốc khi Việt Nam thông qua Luật biển. Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC kêu gọi mở thầu 9 lô dầu khi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Trung Quốc ngày càng có nhiều hoạt động chủ động thể hiện sự quyết đoán trong việc khẳng định các yêu sách chủ quyền.
 
Bạn đọc Thu Hiền: Trung Quốc đổ lỗi cho Việt Nam với việc thông qua Luật Biển làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Quan điểm của Giáo sư? Theo ông, ý nghĩa của việc thông qua luật biển này như thế nào?
 
GS. Carl Thayer: Trung Quốc đã cố ngăn trở Việt Nam thông qua Luật Biển. Khi Quốc hội Việt Nam rõ ràng quyết tâm thực hiện việc thông qua Luật Biển thì Trung Quốc đã lên kế hoạch trả đũa. Đó là lý do CNOOC ngay lập tức mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nằm ngoài đường 9 đoạn yêu sách của nước này.
 
Phần quan trọng nhất trong Luật Biển Việt Nam là điều 2.2 của luật này quy định rằng, bất kì trường hợp quy định của Luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
 
"Việt Nam và các nước khác nên ép Trung Quốc cụ thể hóa yêu sách của họ, đưa các yêu sách theo đúng luật quốc tế" - GS Carl Thayer tư vấn.
 
Nhà báo Phương Loan: Có người mô tả căng thẳng ở Biển Đông là chuỗi các hành động “ăn miếng trả miếng” với sự thù địch ngày càng gia tăng giữa các bên yêu sách chủ quyền. Nhiều người quan ngại rằng những căng thẳng ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ nổ lên khủng hoảng chính trị, quân sự nghiêm trọng hơn ở khu vực từ những va chạm vô tình. Quan điểm của giáo sư?
 
GS. Carl Thayer: Tất cả các bên trong tranh chấp Biển Đông đều chưa đủ lòng tin vào các đối tác và đều cực kì nhạy cảm với việc xâm phạm chủ quyền quốc gia.
 
Trong năm nay, căng thẳng gia tăng ở một mức cao hơn, nhưng chúng ta không thấy lặp lại trường hợp Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự để cắt cáp trong vùng biển của Việt Nam như sự kiện Bình Minh năm ngoái hay trường hợp xua đuổi tàu khai thác dầu khí nước ngoài ở vùng biển của Philippines.
 
Trung Quốc đang áp dụng các chiêu thức mới.Tôi thường ví Biển Đông như một chiếc bồn tắm. Trung Quốc đang phát triển ngày càng nhiều lực lượng tàu dân sự và cử một lượng lớn tàu cá tới phía nam. Vùng nước này được tranh giành, gây tắc nghẽn và dễ dẫn đến xung đột vũ trang, như kết luận của Viện Lowy, một cơ quan nghiên cứu của Australia. Tôi chia sẻ nhận định của Viện này.
 
Nhà báo Phương Loan: Liên quan đến vấn đề lòng tin, trong khi đưa ra những cam kết về hợp tác, người ta liên tục chứng kiến những hành động leo thang gây hấn ở cường độ cao hơn, mạnh hơn của Trung Quốc trên Biển Đông như vụ mời thầu 9 lô dầu khí ngay trên thêm lục địa của ViệtNam và thậm chí còn nằm ngoài đường chữ U mà nước này vẽ…. Đằng sau những động thái ấy của Trung Quốc là gì, thưa GS?
 
GS. Carl Thayer: Hành động của Trung Quốc là kiểu hành xử “ăn miếng trả miếng” đối với việc Việt Nam thông qua Luật biển. Các hành động này chủ yếu mang tính chính trị để đáp trả tuyên bố pháp lý của Việt Nam. Không có vẻ là sẽ có bất kì công ty dầu khí quốc tế lớn nào sẽ chấp nhận lời mời của Trung Quốc.
 
Bạn đọc Trường Giang: Liệu Trung Quốc sẽ cho kéo giàn khoan nước sâu, cái mà họ mô tả là “ vũ khí chiến lược, biên cương di động” của Trung Quốc xuống cắm ở vùng Biển Đông hay không?
 
GS. Carl Thayer: Không, chí ít trong 3-5 năm tới. Dàn khoan khổng lồ đã được cam kết sẽ hoạt động lâu dài bên cửa sông Châu (Pearl River) và ở khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc với nguồn hydrocarbon lớn.
 
Tạo sức ép ngoại giao lên Trung Quốc
 
Nhà báo Phương Loan: Trung Quốc sử dụng đường chữ U chín đoạn để mô tả yêu sách chủ quyền của mình. Khu vực này hầu như bao trọn Biển Đông. Chúng ta phải xử lí như thế nào với yêu sách của Trung Quốc, theo Giáo sư?
 
GS. Carl Thayer: Có lẽ không ai ở Bắc Kinh biết chính xác thực ra đường 9 đoạn yêu sách điều gì. Nó được chính quyền Tưởng Giới Thạch vẽ năm 1948 và chính thức đưa lên bàn của Ủy ban biên giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc vào năm 2009. Trung Quốc có vẻ tuyên bố về quyền lịch sử với vùng nước này. Không có quy định nào trong UNCLOS phù hợp với yêu sách đó của Trung Quốc.
 
Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo và đá và vùng nước bao quanh. Trong khi đó, chủ quyền chỉ có thể đòi hỏi đối với các vùng đất. Vùng đất trao cho quốc gia quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước. Ví dụ, mỗi đảo tương ứng với 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và mỗi đảođá có 12 hải lý vùng nội thủy.
 
Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực có các tuyên bố chủ quyền bám sát với quy định về quyền chủ quyền và quyền tài phán trong luật quốc tế. Với đường cơ sở, Việt Nam với yêu sách giống như một phụ nữ mang bầu, nên có điều chỉnh giống Philippines làm mới đây khi nước này sửa lại đường cơ sở của mình phù hợp với luật quốc tế.
 
Sau đó Việt Nam và các quốc gia trong khu vực nênép Trung Quốc cụ thể hóa yêu sách của họ và đưa các yêu sách này theo đúng luật quốc tế. Các chuyên gia nói rằng việc này sẽ giảm khu vực tranh chấp.
 
Cho tới khi Trung Quốc điều chỉnh yêu sách đúng với luật quốc tế, Việt Nam và các nước trong khu vực cần tiếp tục gây sức ép ngoại giao lên nước này.
 
Gây chiến, uy tín của Trung Quốc sẽ trượt dốc
 
Nhà báo Phương Loan: Có một câu hỏi, đồng thời là mối quan tâm chung của hầu hết độc giả: Khả năng về một cuộc đối đầu vũ trang ở Biển Đông hiện thực đến đâu, theo ông?
 
GS. Carl Thayer: Nguy cơ đối đầu vũ trang giữa các tàu quân sự là rất thấp. Nguy cơ đối đầu giữa các tàu bán quân sự là thấp. Mối nguy về một dạng tai nạn hoặc sự vô ý của các chỉ huy địa phương luôn hiện hữu.
 
Nhà báo Phương Loan: Trong bài viết của tác giả Jim Holmes trên tờ Foreign Policy vừa rồi có nhận định rằng đây là thời khắc trỗi dậy của quân đội Trung Quốc và rất có thể sẽ có một kịch bản tương tự năm 1974 xảy ra vì lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng họ phải hành động ngay bây giờ để chiếm ưu thế trước trong cuộc cạnh tranh. Theo GS liệu có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông hay không?
 
GS. Carl Thayer: Tôi không nghĩ như vậy. Lợi ích của Trung Quốc không nằm ở việc kích động một cuộc tranh chấp quân sự và việc Trung Quốc chiếm đóng đảo không có người ở hay việc Trung Quốc chiếm đoạt đảo từ quốc gia khác sẽ được xem là vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông DOC và là một hành động xâm lược. Uy tín quốc tế của Trung Quốc sẽ bị tụt dốc. Trung Quốc có thể thấy quan hệ với ASEAN không dễ chịu. Và Trung Quốc sẽ thấy mối liên kết giữa các cường quốc hải quân đứng đầu là Mỹ sẽ nhanh chóng thành hình.
 
Nói tóm lại, hành động của Trung Quốc có thể dẫn tới một dạng chiến tranh lạnh căng thẳng mới.
 
Còn nữa
 
Theo Phương Loan
Vietnamnet
.