(BVPL) - Hội nghị Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 17 (Cop17) tại Johannesburg, Nam Phi vừa kết thúc với những kết quả tích cực, đặc biệt đối với nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng buôn bán trái phép xuyên quốc gia.

 


Bên cạnh đó, tất cả 8 loài tê tê, loài thú bị buôn bán trái phép nhiều nhất thế giới, đã được nâng cấp mức độ bảo vệ, từ Phụ lục II lên Phụ lục I CITES. Hai loài tê tê bản địa của Việt Nam đã được pháp luật trong nước bảo vệ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, Việt Nam là điểm trung chuyển lớn vảy tê tê từ châu Phi nên việc nâng cấp mức độ bảo vệ tất cả các loài tê tê trên thế giới là một điểm mới quan trọng. Cùng với sự thay đổi này, vi phạm đối với các loài tê tê từ nay cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, dự kiến sẽ có hiệu lực vào thời gian tới.

CoP17 đã quyết tâm tăng cường thực thi Quyết định 14.69 và hoạt động gây nuôi hổ chỉ được phép tiến hành vì mục đích bảo tồn. Trung Quốc ra sức bác bỏ Quyết định này nhưng đã bị nhiều quốc gia phản đối, bao gồm Ấn Độ và Lào. Đặc biệt, Lào - đất nước có ít nhất ba trại hổ lớn đang gây nuôi hàng trăm cá thể hổ- cũng đã tuyên bố tại Hội nghị về quyết tâm đóng cửa các cơ sở gây nuôi hổ và gấu tại quốc gia này. Qua đó cho thấy, hầu hết các quốc gia thành viên đều nhận thấy hoạt động gây nuôi hổ nhằm buôn bán các bộ phận cơ thể và thu lợi nhuận là mối đe dọa đối với công tác bảo tồn hổ hoang dã.

 Mặc dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của Nhật Bản, Iceland và Trung Quốc, cá mập mắt, cá mập lụa và cá đuối quỷ đã được nâng cấp lên Phụ lục II của CITES. Được liệt kê trong Phụ lục II đồng nghĩa với việc những biện pháp kiểm soát, bao gồm việc đảm bảo tính bền vững của ngành khai thác thủy sản, sẽ được áp dụng cho các loài này. Hy vọng rằng mức độ bảo vệ mới sẽ ngăn chặn sự suy giảm số lượng nghiêm trọng của các loài cá mập và cá đuối quỷ trên, vốn phát sinh từ nhu cầu tiêu thụ súp vây cá mập và cá đuối quỷ trong y học cổ truyền.


 Quyết tâm xóa bỏ tội phạm buôn bán sừng tê giác

Trong thời gian diễn ra CoP17, Việt Nam đã bị chỉ trích vì không có nhiều vụ bắt giữ và khởi tố các đối tượng phạm tội liên quan đến sừng tê giác. Ngạc nhiên trước cách nhìn nhận chưa chính xác của cộng đồng quốc tế về quyết tâm đấu tranh với các tội phạm về ĐVHD của Việt Nam, bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: “Trong 10 năm qua, chúng ta đã nỗ lực không ngừng và đạt được những bước tiến nhất định trong công tác giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD cũng như xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua để có thể đạt được các mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ ĐVHD.” Chính vì vậy, bà Quyên cũng kêu gọi các cơ quan chức năng tập trung mở rộng điều tra nhằm phát hiện và bắt giữ những đối tượng cầm đầu các đường dây tội phạm buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loài ĐVHD có giá trị lớn khác trên thị trường. Bà Quyên đồng thời đề xuất Tòa án áp dụng các khung hình phạt nghiêm khắc để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật hình sự nhằm ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự. Bà Vũ Thị Quyên còn nhấn mạnh với báo chí quốc tế và những người ủng hộ đề nghị buôn bán sừng tê giác: “Đừng để sừng tê giác của họ xuất hiện ở đất nước chúng tôi!”

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết thêm: “ENV nhận thấy nhiều bước tiến đáng kể đã được tạo ra tại Johannesburg. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải nắm bắt lấy cơ hội này để biến Việt Nam từ một quốc gia bị coi là một mắt xích trung chuyển, cung cấp và tiêu thụ ĐVHD thành quốc gia có vai trò lớn trong việc xóa bỏ loại tội phạm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam để đảm bảo tội phạm về ĐVHD đều được điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật”.
 

Hà Nhân

.