Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tại Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, công bố vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân từ ngày 1/7/2021 diễn ra sáng nay ( 22/6).
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả đạt được của 2 dữ án này. Ảnh:VGP |
Khẳng định nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc công bố chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Theo báo cáo, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành bước đầu theo tiến độ xây dựng, triển khai hai Dự án. Đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí"; vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh, vừa làm vừa giám sát, kiểm tra, thanh, quyết toán, tránh lãng phí, tiêu cực; đây cũng là những kinh nghiệm rất hay, cần tổng kết để thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới.
Đồng thời, đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Đã thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo báo cáo của Bộ Công an, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án (tháng 3/2020 với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tháng 9/2020 với dự án thẻ căn cước), Bộ đã xác định đây là một “chiến dịch”, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng, 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đây cũng là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, cũng góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.
Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình xây dựng, triển khai hai Dự án vẫn còn những khó khăn, hạn chế, còn nhiều việc phải làm. Thủ tướng chia sẻ và mong các cơ quan liên quan quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục triển khai dự án ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu.
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả”. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực”.
Đây là những nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng thách thức phía trước còn nhiều. Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện được các mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; với một số quan điểm, định hướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, việc xây dựng hệ thống thành công mới chỉ là bước đầu, đưa cơ sở dữ liệu này đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả thật tốt, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật mới là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước; sự trông đợi và kỳ vọng của xã hội và toàn thể nhân dân.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để nghiên cứu thực hiện tốt hơn trong thời gian tới của Bộ Công an như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất.
Tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan. Đồng thời, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch COVID-19, tránh tình trạng “cát cứ” thông tin, cơ sở dữ liệu.
Thủ tướng lưu ý, cần thường xuyên rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm kế thừa, kết nối, chia sẻ, dùng chung, không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả; những nội dung nào trong Cơ sở dữ liệu dân cư đã có mà có thể chia sẻ được thì các bộ, ngành khai thác, tận dụng, không phải đầu tư mới….