(BVPL) - Để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương cải cách tư pháp. Các nghị quyết của Đảng nhấn mạnh: Cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Hơn nữa, phải bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Đồng thời, yêu cầu cải cách nhiều nội dung cụ thể khác của tố tụng hình sự. Đây là những định hướng quan trọng, chỉ đạo việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Để góp tiếng nói cùng Quốc hội bàn về Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Vũ Gia Lâm, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự (Trường ĐH Luật Hà Nội).

 


Phóng viên: Trong Dự thảo BLTTHS sửa đổi có nhiều điểm mới quy định về quyền thu thập chứng cứ, về cách thức thu thập và đánh giá chứng cứ. Vậy ông có bình luận gì về vấn đề này?

TS. Vũ Gia Lâm: Trong chế định chứng cứ, nếu so với BLTTHS hiện hành thì Dự thảo đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây, quyền thu thập chứng cứ là độc quyền của cơ quan tiến hành tố tụng còn những người tham gia tố tụng thì không có quyền này. Cho nên việc quy định cho người bào chữa và những người tham gia tố tụng có quyền thu thập chứng cứ đã đánh dấu một bước phát triển rất mới theo định hướng cải cách tư pháp.

Việc quy định cho người bào chữa thu thập chứng cứ là rất cần thiết, Dự thảo Bộ luật đã quy định rất cụ thể cách thức thu thập chứng cứ là có thể gặp gỡ, hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự rồi yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu. Có như vậy mới tạo ra một cơ chế thuận lợi cho người bào chữa thu thập chứng cứ. Tôi đánh giá Dự thảo quy định như vậy là rất phù hợp. Hơn nữa, trong Dự thảo BLTTHS ở Điều 82 có nói đến việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Về mục tiêu đánh giá chứng cứ là để nhận thức về tình tiết thực tế của vụ án, nó có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Vì vậy, việc cho người bào chữa đánh giá chứng cứ là cần thiết. Việc đánh giá chứng cứ này sẽ góp phần đảm bảo các nguyên tắc tranh tụng. Về điểm mới này trong Dự thảo là hoàn toàn phù hợp và có thể nói rằng đây là một sự tiến bộ rất lớn trong cải cách tư pháp.

Phóng viên: Một trong những điểm mới lần này là về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên. Liệu việc sửa đổi này đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với người thành niên hay chưa. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

TS. Vũ Gia Lâm: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên đã có quy định trong Bộ luật hiện hành, được xác định là thủ tục đặc biệt bởi vì nó điều chỉnh đối tượng đặc biệt là người chưa thành niên bị tình nghi phạm tội, chính vì thế quy định của Dự thảo lần này là sự kế thừa và phát triển các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Theo tôi, việc quy định như vậy rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như về mặt lý luận. Hiện nay, theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, thì chúng ta đã thành lập các Tòa án gia đình và Tòa án người chưa thành niên. Nếu như đã thành lập được các Tòa án như vậy thì thủ tục tố tụng hình sự cũng phải đáp ứng được với thiết chế mới. Quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nếu chiếu theo Dự thảo thì đối tượng áp dụng ở đây không còn hạn chế trong phạm vi những người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, những người vị thành niên mà có thể áp dụng cả những người tham gia khác. Vậy thì, theo quan điểm cá nhân tôi đây là sự tiến bộ cần thiết nhưng khả năng thực hiện có thể gặp một số khó khăn. Nếu như chúng ta mở rộng diện đối tượng điều chỉnh của thủ tục đó thì sẽ dẫn đến số lượng vụ án giải quyết theo thủ tục này sẽ lớn, rõ ràng từ đó sẽ gây áp lực đối với cơ quan tiến hành tố tụng.

Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải tiến hành cũng vô cùng chặt chẽ từ việc “đầu tư” về phía người tiến hành tố tụng đến việc tổ chức hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đơn cử kể cả những việc như phòng hỏi cung, phòng tiến hành hoạt động điều tra, phòng xét xử cũng phải đầu tư nâng cấp cho phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Theo tôi, việc quy định của Dự thảo là sự tiến bộ trong lập pháp, nhưng cần phải giải quyết nhu cầu thực tế kèm theo làm sao để các quy định được thực hiện trên thực tế.

Phóng viên: Trong Dự thảo có qui định về các biện pháp điều tra đặc biệt. Vậy theo ông, có cần thiết không và cần phải quy định như thế nào để vừa có hiệu quả vừa không ảnh hưởng đến các quyền của công dân?

TS. Vũ Gia Lâm: Trong dự thảo này có một chương mới quy định về các  biện pháp điều tra đặc biệt. Có lẽ những người làm Dự thảo Bộ luật đã tham khảo rất nhiều kinh nghiệm quốc tế, việc này đã được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, đặc điểm của biện pháp điều tra đặc biệt này là bí mật mà trong tố tụng của ta thì cơ bản theo hướng công khai với sự kiểm soát của xã hội. Theo quan điểm cá nhân tôi cũng nên đưa vào các biện pháp điều tra đặc biệt, mặc dù đang có sự do dự giữa việc có quy định biện pháp điều tra đặc biệt hay không. Theo ý kiến cá nhân tôi cho rằng cần quy định biện pháp điều tra đặc biệt trong tố tụng bởi vì có những vụ án hình sự không thể công khai tiến hành điều tra được bởi chỉ cần đánh động là người phạm tội có thủ đoạn che giấu và gây khó khăn cho việc phát hiện. Có những vụ án về tội phạm có tổ chức thì do thiết chế tội phạm rất tinh vi cho nên nhiều khi mới chỉ bóc gỡ được một mắt xích nào đó là thứ yếu nhưng đã đánh động. Vậy thì, việc phát hiện ra toàn bộ tổ chức của tội phạm sẽ là rất khó. Trong Dự thảo có đưa ra 2 phương án. Một là, quy định có biện pháp điều tra đặc biệt nhưng đó là biện pháp gì thì không quy định và phương án thứ 2 là có quy định những biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm biện pháp nào đó như ghi âm bí mật, nghe lén điện thoại, bóc thư tín… như vậy thì thủ tục tố tụng cần phải công khai để tránh lạm dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân. Vì vậy, theo tôi nên quy định cụ thể là có những biện pháp gì và đặc biệt nào có thể được áp dụng để tránh việc lạm dụng từ phía cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, phải có quy định về sự kiểm sát hết sức chặt chẽ của cơ quan Viện kiểm sát khi áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt.

Phóng viên: Dự thảo lần này đã quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng. Vậy chương này có cần thiết không ? Nếu có quy định thì trong thực tế có vướng mắc, trở ngại gì không?

TS. Vũ Gia Lâm: Việc huy động đông đảo lực lượng trong xã hội vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm là rất quan trọng bởi vì không có tai mắt nào có thể phát hiện tội phạm nhanh chóng như là nhân dân, chính vì thế cho nên để thực hiện quyền tố cáo tội phạm của công dân, của những người bị thiệt hại do tội phạm gây ra thì bên cạnh việc Luật quy định cụ thể quyền của những người này cũng cần phải có quy định để làm sao khi thực hiện quyền đó thì sẽ giúp họ yên tâm và tránh được những thiệt hại do việc đã phát giác tội phạm. Hiện nay, trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành mới chỉ quy định việc áp dụng các biện pháp cần thiết về mặt bảo vệ quyền lợi của người làm chứng. Bản thân người phạm tội trong vụ án đồng phạm họ cũng có thể khai báo ra đồng phạm, khai báo hành vi của họ và đồng thời tố giác đồng phạm để được hưởng khoan hồng… nhưng những người đó cũng có thể là đối tượng bị đe dọa, bị trả thù. Những người này đều có nhu cầu được bảo vệ, do đó việc Dự thảo quy định một chương về nội dung này là rất cần thiết. Ở nước ngoài, để tránh việc trả thù, người tố giác tội phạm, họ đã có Luật bảo vệ nhân chứng, theo đó có thể đưa người đó đến cư trú ở nơi khác, thay tên đổi họ, thậm chí đối với những vụ tội phạm có tổ chức, có người tố giác, người ta còn phải phẫu thuật để làm biến đổi hình dạng cho khó phát hiện… Đấy là ở những nước có điều kiện nên họ làm được như vậy. Còn với điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta như hiện nay thì làm rất khó và sẽ gặp phải khó khăn về điều kiện kinh phí để thực hiện.

Hơn nữa, về nhân lực phải có đầu tư, nếu như có biện pháp như giám sát việc đi  lại, làm việc… thì phải có người và cũng phải đầu tư kinh phí, hay có trường hợp người tố giác tội phạm bị phát giác, phát hiện là họ phải chuyển nơi công tác, nơi làm việc. Vậy thì nhà nước cũng phải có chế độ chính sách như thế nào cũng là vấn đề đặt ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Thu Hương (Thực hiện)

.