(BVPL) - Ngày 17/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như sự đổi mới của dự án Bộ luật mà Ban soạn thảo đưa ra nhằm hạn chế tình trạng oan, sai.
 


“Trong quá trình thảo luận có ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Quan điểm của tôi ủng hộ, bởi nếu chúng ta khắc phục được vấn đề bức cung, nhục hình, chúng ta bảo vệ được quyền con người thì có tốn kinh phí cũng có thể xem xét. Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật có sự khảo sát để giải trình trước Quốc hội nguồn kinh phí chúng ta trang bị cho việc ghi âm, ghi hình là bao nhiêu, chúng ta có đáp ứng được hay không? Khi thảo luận ở tổ, một đồng chí lãnh đạo ở địa phương nói nếu bảo vệ được quyền con người, quyền công dân, tránh bức cung, nhục hình như vậy địa phương có thể sẵn sàng bỏ kinh phí trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình. Tôi nghĩ nhiều địa phương khác cũng ủng hộ tinh thần này” – đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho biết: “Tôi nhất trí hoàn toàn với chủ trương ghi âm, ghi hình tất cả mọi trường hợp. Theo một số ý kiến, chỉ những trường hợp cần thiết thì về mặt trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất là như nhau, bởi vì ghi nhiều hay ghi ít thì cũng đều phải có máy móc như nhau. Theo tôi, quan điểm thứ nhất là ghi tất cả những trường hợp hỏi cung, xét hỏi v.v... giữa cơ quan tố tụng và người tiến hành tiến tụng với bị can, bị cáo, nhằm ngoài việc chống ép cung, chống nhục hình và đặc biệt giúp cho cơ quan tố tụng những trường hợp bị phản cung, rất nhiều vụ án vừa qua đến khi xét xử thì bị can, bị cáo đưa ra những lời phản cung như tôi bị đánh, tôi bị ép cung, tôi bị mớm cung, tôi khai thế này nhưng ép tôi khai thế kia, cũng là bảo vệ cho chính những người tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát minh bạch được quá trình xét hỏi, hỏi cung khách quan.

Theo đại biểu Trường, không ai thích gì khi làm một việc luôn luôn có một cái máy theo dõi, quản lý chặt chẽ, nhưng trong thực tế để tránh được những sai sót thì nên áp dụng biện pháp này. “Tuy có tốn kém, phải đầu tư, nhưng tôi nghĩ có thể làm được để đảm bảo chế định này”.

Đại biểu Trường phân tích: Qua báo cáo giám sát oan sai vừa qua cho thấy, bức cung, nhục hình dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng đang tồn tại, do vậy quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hỏi cung bị can với trình tự thủ tục chặt chẽ, sẽ là biện pháp giám sát hiệu quả đối với hoạt động điều tra, hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình. Đồng thời, đây là căn cứ quan trọng để bảo vệ người tiến hành tố tụng đúng pháp luật, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo về bức cung, nhục hình thiếu căn cứ.

Hơn nữa, xu hướng áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động tố tụng hình sự, để nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra tội phạm cũng như để bảo vệ người tham gia tố tụng đang là xu hướng phổ biến của các nền tư pháp trên thế giới.

Thực tế, trong hoạt động điều tra ở nước ta thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, nhằm bảo đảm căn cứ chặt chẽ trong đấu tranh đối với các tội phạm. Ý kiến cho rằng chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung đối với các tội và hình phạt tù chung thân và tử hình là không phù hợp. Vì trên thực tế, việc bức cung, nhục hình để xảy ra oan sai, không chỉ xảy ra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn xảy ra đối với mọi loại tội phạm.

Góp ý vào quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) khẳng định: Đây là quy định rất tiến bộ.

Theo đại biểu Vinh, trước hết, cần khẳng định để chống bức cung, nhục hình phải sửa nhiều quy định, sử dụng tổng thể nhiều biện pháp, trong đó bắt buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung là biện pháp cần được triển khai nhằm tăng tính minh bạch của hoạt động tố tụng, giảm bức cung, nhục hình. Đây cũng là cách mà các nền tư pháp tiến bộ đang áp dụng, cũng có ý kiến lo ngại, nếu áp dụng sẽ tốn kém, hoặc phức tạp.

“Tôi cho rằng, một nền tư pháp vì con người thì không tránh khỏi tốn kém và tốn kém cũng phải làm, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của con người và là thể hiện tinh thần ưu việt của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, nghĩa vụ công dân của Việt Nam” – đại biểu Vinh nói.

Đại biểu Vinh cũng cho biết: Thực tế, ghi âm, ghi hình là thao tác rất đơn giản và không tốn kém trong điều kiện công nghệ điện tử phát triển như hiện nay. Do vậy, đại biểu đồng tình với chủ trương trong dự thảo ghi âm, hoặc ghi hình 100% các cuộc hỏi cung. Vấn đề đặt ra là cần phải rà soát lại các quy định cụ thể trong dự thảo có liên quan đến thủ tục niêm phong, bảo quản băng ghi âm để các thông tin này trở thành nguồn chứng cứ trực tiếp chứng minh của vụ án, còn nếu theo ý kiến của Ủy ban tư pháp chỉ ghi âm, ghi hình đối với tội hình phạt tù chung thân tử hình, hoặc trường hợp khác xét thấy cần thiết. Nếu quy định như vậy, trường hợp khác xét thấy cần thiết là những trường hợp nào? Như vậy dễ dẫn đến sự tùy tiện trong hỏi cung và không khách quan, là mâu thuẫn với đề xuất trong Báo cáo giám sát oan, sai mà Quốc hội mới thảo luận.
 

Ngọc Đức - Thúc Hà