Sự việc nhiều luật sư (LS) đang hoạt động nghiệp vụ tại phiên tòa thì bị hội đồng xét xử (HĐXX) “chặn”, bị “cắt” vì cho rằng có lời nói, hành vi không phù hợp với nội quy phiên tòa, văn hóa pháp đình đang dấy lên hai chiều thông tin: Phản đối và ủng hộ. Đây luôn là câu chuyện dài...
 
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), mọi người trong phòng xử án đều phải tuân theo sự điều khiển của Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Nếu đề nghị của LS không được chủ tọa phiên toà chấp nhận và có căn cứ cho rằng quyền của LS đã bị vi phạm thì LS có thể kiến nghị, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu LS có phản ứng tiêu cực là vi phạm nội quy phòng xử và đi ngược với văn hóa pháp đình.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Vung tay, cười khẩy và nhún vai
 
Không có cử chỉ gây ấn tượng mạnh là vung tay khi phát biểu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ như LS của vụ án đình đám Đoàn Văn Vươn mới đây  nhưng trong nhiều phiên tòa, LS X (ĐLS Hà Nội) lại thường xuyên có cử chỉ khó hiểu là nhún vai, cười khẩy và xòe hay bàn tay tỏ ý không hiểu, hoặc không chấp nhận được ý kiến của các cơ quan công quyền, ngay trong lúc VKS đang luận tội hoặc HĐXX đang tuyên án.
 
Tất nhiên, nguyên nhân là do quan điểm của HĐXX khi đó đi ngược với quan điểm bào chữa “thân chủ tôi không có tội” của LS. Mặc dù biểu lộ cảm xúc là quyền tự do của LS X và thực tế cũng chưa thấy ai nhắc nhở LS X về hành vi trên nhưng rõ ràng với điệu bộ cười khẩy, nhún vai như vậy ít nhiều gây phản cảm, làm giảm tính tôn nghiêm của văn hóa pháp đình.     
 
Cho hài lòng thân chủ
 
Khi tham gia phiên tòa, ngoài bảo vệ quyền lợi của thân chủ thì LS còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế. Thế nhưng thực tế, có nhiều LS vì bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình mà còn “kết tội” bị cáo khác, làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác.
 
Thậm chí, có LS vì quá tận tâm với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của thân chủ mà còn kết tội, mạt sát, vu khống cả cơ quan điều tra. Trong lịch sử tố tụng, từng có LS bị Cục Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) có công văn đề nghị khởi tố vì đã có hành vi vu khống điều tra viên và mạt sát, bôi nhọ cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Dư luận từng dở khóc dở cười khi có LS vì ra sức bảo vệ cho thân chủ của mình, cho rằng thân chủ của mình không có tội mà vẫn bị khởi tố, bắt giam, oan thấu trời xanh. Trong khi LS đang thao thao bảo vệ thân chủ thì chính bị cáo là thân chủ của LS đó - nguyên là một quan chức tham nhũng đã vội vã xin “cắt” lời LS và từ tốn phát biểu rằng: “Tôi có tội với dân, tội của tôi, tôi xin chịu. Xin các LS không phải bào chữa cho tôi nữa!”.
 
Rời ghế, đi đi lại lại và … bỏ về
 
Pháp luật quy định LS được phép tự thu thập chứng cứ, trong đó có chứng cứ được ghi âm, ghi hình nên trong nhiều phiên tòa hiện nay, Chủ tọa phiên tòa cho phép công bố các chứng cứ đó. Tại nhiều phiên tòa LS còn mang theo máy tính, máy chiếu để phát công khai chứng cứ ghi hình. Khi công bố các chứng cứ trên, LS phải đi đi lại lại phân tích, thuyết trình làm mất trật tự phiên tòa nên bị HĐXX “cắt”.
 
Nhiều phiên tòa, bị HĐXX nhắc nhở, LS bèn phản ứng tiêu cực bằng cách bỏ về, dù phiên xử đang tiếp diễn khiến Toà án lúng túng, còn thân chủ thì hoang mang lo lắng. Có vụ án, các LS thấy làm “căng” với Toà không được nên sau đó nhiều vị LS lại về chỗ để tiếp tục bảo vệ thân chủ của mình. Có điều sự về chỗ lặng lẽ, có trật tự chứ không ồn ào như lúc “dọa” bỏ về. Nhưng cũng có vụ án, thấy các LS bỏ về thì tòa hoãn xử vì e ngại việc xét xử và ra bản án có thể sẽ vi phạm nghiêm trọng quyền được bào chữa của bị cáo.
 
Theo quy định tại Điều 58 của BLTTHS, thì người bào chữa không được từ chối bào chữa cho bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không có lý do chính đáng. Theo quy định tại đoạn 1 Điều 190 của BLTTHS thì: “Người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên toà. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Toà án. Nếu người bào chữa vắng mặt Toà án vẫn mở phiên toà xét xử”.
 
Như vậy, việc LS bỏ về do đưa ra những “yêu sách” không có căn cứ pháp luật nên không được HĐXX chấp nhận không thể coi là lý do chính đáng. Chưa kể, việc LS tự ý rời khỏi phòng xử án là vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa đối với thân chủ. Trong trường hợp này, HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án mà không vi phạm quyền bào chữa của bị cáo, đồng thời kiến nghị với Đoàn LS nơi LS đó là thành viên xem xét trách nhiệm của LS này.
 
Ứng xử của LS trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng
 
     23.1. LS phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà LS tiếp xúc khi hành nghề;
 
23.2. LS có thể trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy cần thiết và có lợi cho khách hàng nhưng phải giữ tính độc lập, không bị chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến khác mình làm ảnh hưởng tới việc xây dựng quan điểm, phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng;
 
23.3. Tại phiên tòa, LS chấp hành nội quy phiên tòa, tôn trọng hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa khi thực hiện quyền xét hỏi người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức;
 
23.4. Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền lợi, LS phải chỉ ra những chứng cứ pháp lý và căn cứ pháp luật có ý nghĩa quan trọng giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật, đồng thời kiên quyết bảo vệ ý kiến, luận cứ chính đáng và hợp pháp của mình;
 
23.5. LS luôn giữ bình tĩnh và có quyền có những phản ứng, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật trước những thái độ, hành vi sai trái, thiếu tôn trọng LS hay khách hàng của LS tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng.
 
(Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam)

 

Theo Quỳnh Lưu
Phapluatvn.vn