Kiến nghị làm thêm 2 cao tốc
Chiều 18/8, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nhằm nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng đầu năm 2024, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng đầu năm 2024 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo đó, năm 2024 là mốc quan trọng khi tỉnh Đắk Lắk tròn 120 năm xây dựng và phát triển. Đây cũng là năm “nước rút” để về đích của giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong bối cảnh các thuận lợi, khó khăn đan xen, tỉnh đã bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.
|
|
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc. |
Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu được đánh giá, còn 6 chỉ tiêu sẽ được đánh giá vào cuối năm. Cả 10 chỉ tiêu được đánh giá đều có mức tăng trưởng so với năm 2023
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, rà soát các nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu, nhất là ở các lĩnh vực mới như thương mại điện tử; đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế; tuy nhiên, do thị trường bất động sản trầm lắng nên tình hình thu biện pháp tài chính của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch đề ra. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu ngân sách của tỉnh. Đến nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán trung ương giao và 52,81% dự toán HĐND tỉnh giao.
Thu hút đầu tư có chuyển biến tốt, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk xác định vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu nội bộ từng ngành nói riêng còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai còn bất cập; một số quy hoạch không phù hợp và chồng lấn với quy hoạch khác...
Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, xem xét 2 nội dung. Theo đó, quan tâm, có chủ trương thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc còn lại kết nối khu vực Tây Nguyên với các vùng khác trong giai đoạn 2025-2030 theo các quy hoạch, nghị quyết đã đề ra. Cụ thể, đầu tư tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để được ưu tiên đầu tư sớm đề nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh phân kỳ thực hiện trước năm 2030 đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây nêu trên; tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị trung ương quan tâm bố trí ngân sách trung ương để đầu tư tuyến đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (chiều dài khoảng 5,05 km), với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỉ đồng.
Tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đã tham gia ý kiến đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, đề xuất giải pháp để địa phương phát triển nhanh và bền vững phát huy vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, gợi mở những động lực mới để tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. |
Thủ tướng cho rằng, Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trên nhiều lĩnh vực, kết cầu hạ tầng còn hạn chế, hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn, tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo vẫn ở mức cao; tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn ra.
Qua đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tỉnh Đắk Lắk cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.
Cùng với sự phát triển kinh tế, tỉnh phải xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
“Phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc vùng Tây Nguyên” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý đến việc xây dựng TP Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đây cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế. Người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.
Xây dựng TP Buôn Ma Thuột góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, địa bàn “chiến lược của chiến lược” rất quan trọng trong chiến lược phát triển.
Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, tỉnh Đắk Lắk mạnh mẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn để tạo động lực, phát triển.
Đồng thời, lãnh đạo các cấp của tỉnh phải gần dân, sát dân, hiểu dân và chăm lo cho đời sống của dân, để người dân Đắk Lắk có cuộc sống ấm no./.