leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày tờ trình tại phiên họp 

Một số ý kiến đề nghị báo cáo tổng kết thi hành Luật phải làm rõ nguyên nhân của những tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng

Tại phiên họp, nhiều ý kiến băn khoăn về việc liệu sau khi luật được ban hành có khắc phục được những tồn tại hiện nay như công trình sai phép không xử được, thậm chí chỉ phạt cho tồn tại; chung cư cơi nới, “nhà siêu mỏng”… hay không.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, trong báo cáo tổng kết về công tác tư pháp, Chính phủ đã nêu về tình hình vi phạm về trật tự xây dựng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp cũng nhận định có những công trình xây dựng sai phép, không phép kéo dài nhưng cho tồn tại hoặc không được phát hiện, đến khi phát hiện rồi lại khởi tố doanh nghiệp.

 “Vậy có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, có sự tiếp tay hay không? Thực trạng này phải đánh giá trong tổng kết để sửa đổi”, bà Nga  băn khoăn.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có vấn đề đặt ra là một số vụ án muốn xử lý hình sự phải có yếu tố đã xử lý hành chính nhưng không làm được vì chưa xử lý hành chính.

“Xây nhà đổ ra đống cát trước cửa thì có người đến ngay nhưng công trình lớn thì cơ quan quản lý ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu, trách nhiệm thế nào? Trong báo cáo tổng kết phải đánh giá rõ về công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể để từ đó sửa các điều về quản lý nhà nước”, bà Nga nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ cho hay, Ban chỉ đạo PCTN Trung ương có nhấn mạnh phải chống tham nhũng trong các lực lượng có chức năng PCTN, trong đó có các lực lượng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, các cơ quan tư pháp.

“Ủy ban Tư pháp cũng đã có kiến nghị Bộ trưởng Xây dựng chấn chỉnh thanh tra chuyên ngành về xây dựng trong những sự kiện thời gian qua. Luật này có giải quyết được gì trong vấn đề này hay không?”.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga 

Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề cập đến tình trạng những công trình xây dựng có đầu tư công, công trình của Nhà nước “làm thì lâu nhưng xuống cấp rất nhanh”.

“Vậy cái gì trong luật hiện hành dẫn đến việc những công trình xây dựng xuống cấp nhanh, nhất là ở những công trình đầu tư công. Đề nghị đánh giá có lỗi gì ở luật này không?”, bà Nga nói thêm

Trưởng Ban Dân nguyện, Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ quan tâm về cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.

“Câu hỏi đặt ra là tất cả các điều khoản trong luật từ quy trình lập thẩm định, xin giấy phép ở trong luật có đảm bảo giảm thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm, chống lãng phí như nêu trong nguyên tắc hay không?”, bà Hải nói.

“Một doanh nghiệp nói là công trình đầu tư xây dựng nhà 200 tỉ, lãi suất vay 1,5% thì mỗi ngày trung bình phải trả 100 triệu đồng lãi suất ngân hàng. Mỗi ngày chờ đợi thêm để cấp phép thủ tục sẽ gánh thêm giá thành của nhà”

Theo bà Hải, các điều sửa đổi để giải quyết những vấn đề đang tồn tại nêu trên trong dự thảo luật rất chung chung. Do vậy, bà Hải đề nghị Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo rà soát các điều khoản trong dự thảo luật này, đặc biệt là quy định về cấp phép, quản lý trật tự xây dựng để đảm bảo rút ngắn quy trình thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhưng phải vẫn đảm bảo trật tự đô thị và các quy định khác.

Bà Hải cũng đề cập đến băn khoăn có những công trình người dân phải xin phép khó khăn nhưng có những công trình sai phép ngang nhiên tồn tại, dẫn tới tâm tư, băn khoăn, nhiều khi gây mất lòng tin trong người dân.

“Trong luật này phải đưa ra nguyên tắc không phạt cho tồn tại, phạt là phải xử lý, không cho tồn tại vì nếu để như vậy sẽ làm mất tính răn đe, khiến người ta nghĩ rằng cứ có tiền là phạt rồi tồn tại được. Luật phải nêu rõ phạt hành chính xong rồi phải cắt, thậm chí tháo dỡ các công trình đó hoặc phá bỏ công trình đó nếu ảnh hưởng lên cuộc sống của người dân”, bà Hải kiến nghị./.

Xuân Hưng