(BVPL) - “Chúng ta phải dựa rất nhiều vào nhân dân và báo chí, phải tạo điều kiện hơn nữa cho báo chí tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng”- Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa trao đổi với Tiền Phong.

 

 
Xử nghiêm cán bộ sai phạm
 
Tuần này QH thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, theo ông điểm mới nào của dự thảo là quan trọng?
 
Thật ra, dự thảo Luật cũng không có nhiều thay đổi gì lớn. Điểm thay đổi quan trọng nhất – đó là Luật không quy định về Ban chỉ đạo PCTN như Luật hiện hành.
 
Theo NQTƯ 5, Ban chỉ đạo PCTN Trung ương sẽ chuyển về bên Đảng, do Tổng Bí thực trực tiếp chỉ đạo.
Phải nói rằng, công tác PCTN thời gian qua có rất nhiều khó khăn, phức tạp. Báo cáo của Chính phủ nhận định, “Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”.
 
Trong điều kiện như vậy, chúng ta phải dựa rất nhiều vào nhân dân và báo chí. Do đó phải tạo điều kiện hơn nữa cho báo chí tham gia vào công tác PCTN. Bởi báo chí là một kênh, một công cụ đắc lực trong PCTN.
Chúng ta có hệ thống pháp luật, có quyết tâm, vì sao thời gian qua chống tham nhũng lại hạn chế - kết quả như một số ĐB phân tích “mới chỉ phát hiện tham nhũng vặt?”.
 
Nguyên nhân quan trọng nhất và cuối cùng - theo tôi là con người, là cán bộ. Nghị quyết của Đảng đã nhận định rõ là có hiện tượng tham nhũng, suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao.
 
Tức là có những người có chức quyền cao nhưng lại tham nhũng. Vì vậy, không lạ là tại sao công tác PCTN không đạt yêu cầu, bởi vì đơn giản là họ không thể tự xử lý mình được.
 
Bước đi tiếp theo
 
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, tham nhũng nghiêm trọng nhưng xử lý, khắc phục hậu quả chưa tương xứng. Có trường hợp đổi tội danh, có vụ việc lớn, nhưng không thấy có tham nhũng?
 
Thực tế đúng như vậy. Vừa rồi tại Quốc hội, Thủ tướng cũng nhận khuyết điểm trong quản lý điều hành, đó là một việc đáng hoan nghênh. Nhưng đó chỉ mới là bước đầu, cử tri và nhân dân mong muốn nhiều hơn.
Báo cáo tập hợp kiến nghị cử tri của UBTƯMTTQ Việt Nam phản ánh suy nghĩ của cử tri và nhân dân muốn lãnh đạo Nhà nước, nhất là Chính phủ phải bước những bước tiếp theo.
 
Tức là phải xử lý những trường hợp gây tổn thất lớn cho tài sản của Nhà nước, xã hội; xử lý những trường hợp cán bộ thoái hóa biến chất.
 
Cử tri phản ánh và chúng ta cũng thừa nhận, tham nhũng xảy ra ở bộ phận cán bộ có chức quyền. Cách nào để ngăn chặn, phòng ngừa, thưa ông?
 
Phải thực hiện việc minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ. Khi kê khai tài sản, có một tỷ lệ khai không thật: Người ta đang sở hữu tài sản đó nhưng không khai, hoặc cho người khác đứng tên. Như vậy, các cơ quan chức năng, cơ quan PCTN phải điều tra xác minh, làm rõ điều đó.
 
Chúng tôi đã từng kiến nghị vấn đề này từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được.
 
Theo tôi, cơ quan PCTN phải có lực lượng tinh nhuệ để phát hiện, xác minh, thu thập chứng cứ ban đầu, trước khi chuyển cơ quan chuyên môn.
 
Cảm ơn ông.
Theo Nguyễn Tuấn
Tiền Phong Online