"Mỗi tin, mỗi bài được đăng, phát, dù theo thể loại, đề tài gì thì cũng phải gắn với thiện chí, ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6.
- Thưa Bộ trưởng, từ nhiều năm nay, ngày Báo chí Việt Nam 21/6 hằng năm đã trở thành ngày “hội nghề” của những người làm báo cả nước. Đây cũng dịp để giới báo chí cùng nhìn lại những gì mình đã làm được và chưa làm được. Với vai trò của người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp của báo chí trong việc đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013?
Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2013), là dịp cả nước luôn hướng tới và dành cho Báo giới những tình cảm trân trọng về vị thế và vai trò của nền Báo chí cách mạng nước nhà đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc trong suốt chặng đường 88 năm xây dựng và trưởng thành. Đây cũng là dịp những người làm báo nhìn lại chính mình để không ngừng tiếp tục phấn đấu phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của nền Báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đóng góp ngày càng xứng đáng hơn nữa trong công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Trong thời điểm hiện nay, khi mà sự bùng nổ cả về nguồn thông tin và nhu cầu thông tin của người dân, cùng với sự phát triển, phổ cập nhanh chóng của Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ thì vai trò, ảnh hưởng của báo chí đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng quan trọng. Quan trọng với hoạt động của cơ quan nhà nước, với mọi tổ chức, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong việc góp sức, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013, tôi có thể khẳng định, báo chí có những đóng góp hết sức quan trọng vào những kết quả mà chúng ta đã đạt được. Trong 6 tháng đầu năm, báo chí đã kịp thời thông tin, phổ biến, giải thích các giải pháp của Chính phủ trong điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; truyền thông những sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, góp phần định hướng dư luận, nhất là đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Để tháo gỡ khó khăn, thực hiện được các mục tiêu phát triển KT-XH, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng, chẳng hạn như Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hoặc việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Đây đều là những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, có tác động lớn tới thị trường, doanh nghiệp và tâm lý người dân. Trong bối cảnh đó, với trách nhiệm của mình, báo chí đã vào cuộc, góp phần truyền dẫn, giải thích, phân tích, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu sâu hơn về quan điểm, mục tiêu và giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, uốn nắn những cách nhìn lệch lạc, đồng thời cũng thẳng thắn phản ảnh những ý kiến xây dựng để điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Qua đó báo chí đã góp phần xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, sự đoàn kết nhất trí của mọi lực lượng….. . Những thành tích, đóng góp của báo chí đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương kịp thời trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua.
- Sự bùng nổ thông tin trên mạng Internet, bao gồm cả các báo điện tử, trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội… hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước về thông tin. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm cũng như những giải pháp của Bộ TT&TT để giải quyết vấn đề này.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) nói chung và Internet nói riêng, Bộ TT&TT luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn là sự phát triển về công nghệ, kéo theo đó là sự phát triển của các ứng dụng và dịch vụ luôn đi trước và đi nhanh hơn tư duy và những quy định về quản lý. Trong đó, quản lý thông tin trên mạng Internet là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhưng, trước hết phải khằng định rằng, sự phát triển đa dạng, phong phú của các loại hình thông tin trên Internet với các báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp, blog cá nhân và mạng xã hội đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, nhiều chiều của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Bản chất “mở” của thông tin trên Internet đã góp phần thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, chính vì tính chất “mở” nên thông tin trên Internet cũng chứa đựng không ít những mặt trái, tiêu cực, trong đó có những vấn đề khá nghiêm trọng. Đó là tình trạng thông tin không được kiểm chứng; thông tin rẻ tiền, giật gân, câu khách; thông tin về bạo lực, tình dục, về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như các vụ án giết người dã man hoặc có những tính tiết nhạy cảm, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đó là kiểu làm báo cẩu thả, dễ dãi lá cải đang khá phổ biến trên nhiều báo điện tử khiến nhiều bạn đọc bức xúc. Đó là tình trạng một số trang web cá nhân, blog hay trang cá nhân trên mạng xã hội liên tục tung ra những thông tin có tính xuyên tạc, vu khống, thù địch, hoặc thiếu thiện chí, thiếu tính xây dựng, những thông tin thất thiệt, thật giả lẫn lộn, gây hoang trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Gần đây còn nổi lên tình trạng vi phạm bản quyền tin bài giữa các trang tin tổng hợp với các báo điện tử, giữa các báo điện tử với nhau…Tất cả những điều đó đang tồn tại song hành cùng Internet, đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ, đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, khắc phục.
Internet là tiến bộ khoa học kỹ thuật, là phát minh lớn của thế kỷ 20. Có thể nói Internet hiện nay không thể thiếu được trong đời sống xã hội chúng ta và đã trở thành phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn 15 năm phát triển Internet tại Việt nam có thể thấy quan điểm có tính nguyên tắc trong quản lý Internet là quản lý phải theo kịp sự phát triển, thúc đẩy phát triển, đương nhiên đây phải là sự phát triển lành mạnh, bền vững, đúng định hướng. Muốn vậy, chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ, khoa học, hiệu quả để khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho sự phát triển và phổ cập Internet, phát huy và khai thác tối đa những lợi ích, những yếu tố tích cực mà Internet đem lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Đồng thời cũng phải kiên quyết và kiên trì ngăn chặn, khắc phục và xử lý những mặt trái, những hành vi tiêu cực, phạm pháp trên Internet.
Để ngăn chặn luồng thông tin độc hại, tiêu cực trên Internet, chúng ta phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả pháp lý, vận động và tuyền truyền, giáo dục. Trong đó, theo tôi, cần phải coi việc phòng ngừa từ xa theo nguyên tắc lấy xây để chống, dùng tích cực lấn tiêu cực, dùng các biện pháp nâng cao khả năng đề kháng của người dân, nhất là giới trẻ, làm giải pháp chiến lược, căn bản, lâu dài.
Muốn làm được điều đó, một mặt, cần tăng cường sản xuất, cung cấp thông tin về các nội dung, các hoạt động tích cực, hữu ích trên Internet nhằm thu hút giới trẻ tham gia, giúp họ tránh xa các nội dung độc hại. Mặt khác, tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan đến doanh nghiệp, từ gia đình đến nhà trường, xã hội. Nếu tất cả thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, cùng chung sức xây dựng phát triển đất nước, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, để không còn "tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị là suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng"; có nhiều thành tựu trong xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực, tham nhũng trong từng cơ quan, trong công sở; xây dựng nếp sống văn hoá đẹp, giàu tính nhân văn trong từng đơn vị, từng doanh nghiệp đến mọi miền quê và từng gia đình... thì chắc chắn mặt trái trên Internet khó có cơ hội để phát triển và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí phải thấy rõ hơn nữa trách nhiệm đạo đức báo chí. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin, mà phải xây dựng lòng tin. Đó là đạo đức căn bản của người làm báo.
- Cùng với những khó khăn chung của đất nước do kinh tế suy giảm, báo chí cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt, đặc biệt là về kinh tế báo chí. Vậy Bộ TT&TT cùng với Chính phủ có giải pháp gì giúp báo chí vượt qua khó khăn?
Báo chí không đứng ngoài khó khăn chung của đất nước mấy năm gần đây. Những khó khăn của báo chí hiện nay có thể nói là do tác động kép của tình hình khách quan. Một mặt là do tác động của những khó khăn về kinh tế: tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, hoặc phải cắt giảm kinh phí, ảnh hưởng đến nguồn thu quảng cáo; mặt khác là do sự phát triển tự thân của báo chí: sự phát triển và phổ cập của báo điện tử và thông tin mạng đã khiến cho khối báo in chịu tác động nặng nề, số lượng phát hành giảm mạnh, dẫn đến giảm doanh thu phát hành. Điều này không chỉ xảy ra ở nước ta mà là xu hướng chung của thế giới. Tất nhiên, cũng còn nguyên nhân thứ 3 là lãnh đạo một số cơ quan báo chí kém năng động, còn ỷ lại, trông chờ vào nhà nước.
Những khó khăn về kinh tế báo chí đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là báo in. Tại nhiều cơ quan báo chí, thu nhập của cán bộ, phóng viên, biên tập viên bị giảm mạnh, thiếu kinh phí đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng, phải đình bản một số ấn phẩm, cắt giảm nhân lực…
Các cơ quan báo chí đều có đơn vị chủ quản, việc thành lập cơ quan báo chí xuất phát từ nhu cầu và đề nghị của cơ quan chủ quản để làm công tác truyền thông cho Bộ, ngành, địa phương,... Vì vậy, việc giải quyết khó khăn về kinh tế cho cơ quan báo chí cần có sự chủ động và trách nhiệm trực tiếp của cơ quan chủ quản, trong đó bao gồm cả việc chủ động sắp xếp, tổ chức lại cơ quan báo chí trực thuộc.
Chính phủ và Bộ TT&TT cũng đang tìm các giải pháp để giúp các cơ quan báo chí khắc phục khó khăn. Trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, tại Điều 13 Ưu đãi về thuế suất, trong đó mức thuế cho hoạt động báo in được đề xuất giảm xuống 10%. Và ngày 19 tháng 6 năm 2013, Quốc hội đã bỏ phiếu chính thức thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung này. Đây là sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với sự nghiệp báo in của nước nhà. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đang tích cực hoàn thiện Quy hoạch cơ quan báo chí trong cả nước để sớm trình các cấp có thẩm quyền. Quy hoạch này phân định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan báo chí, từ đó sẽ những cơ chế, chính sách thích hợp, giúp tháo gỡ khó khăn cho báo chí.
Nhưng theo tôi, bản thân nghề báo đã đòi hỏi phẩm chất năng động sáng tạo, làm báo trong cơ chế thị trường lại càng phải như vậy. Trước sự cạnh tranh của các loại hình truyền thông mới, để có bạn đọc và người xem thì các loại hình báo chí truyền thống còn cần đổi mới phương thức hoạt động, phương thức tác nghiệp để theo kịp nhu cầu và thói quen mới của người sử dụng trong thời đại bùng nổ thông tin. Thách thức lớn nhất đối với các cơ quan báo chí hiện nay là vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích lại vừa phải mạnh dạn, sáng tạo để tìm các giải pháp tăng nguồn thu hợp pháp, bảo đảm cân đối tài chính, đảm bảo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên an tâm cống hiến. Điều đó phụ thuộc trước hết vào bản lĩnh, năng lực của lãnh đạo các cơ quan báo chí và bản thân từng cán bộ, phóng viên. Tôi tin tưởng là với sự hỗ trợ khởi đầu của Nhà nước cộng với bản lĩnh báo chí cách mạng, tinh thần năng động sáng tạo của nhà báo, báo chí nhất định sẽ tìm được phương hướng hoạt động hiệu quả, hoàn thành sứ mệnh chính trị của mình trong cơ chế thị trường.
- Chúng ta đã đi được nửa chặng đường trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2013 với những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhiệm vụ cho những tháng còn lại của năm 2013 vẫn còn hết sức nặng nề. Xin Bộ trưởng cho biết báo chí cần làm tốt hơn nữa những gì để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2013?
Như Chính phủ đã xác định trong phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa rồi, nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm tuy đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực tối đa của các cấp các ngành, trong đó có báo chí, truyền thông. Chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ đối với báo chí là thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo khách quan, trung thực, phản ánh đúng những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, triển vọng và định hướng phát triển, góp phần tạo niềm tin và đồng thuận xã hội.
Để thực hiện tốt hơn nữa chỉ đạo của Chính phủ, tôi cho rằng báo chí, và mỗi người làm báo cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm công dân, lương tâm nghề nghiệp và ý chí vượt khó. Làm sao để mỗi tin, mỗi bài được đăng, phát, dù theo thể loại, đề tài gì thì cũng phải gắn với thiện chí, ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Làm sao để sau khi tin, bài được đăng, phát, cả người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị và cơ quan quản lý nhà nước có thông tin và thêm niềm tin, thêm nghị lực và ý chí để vươn lên; tìm được giải pháp, lối ra khỏi khó khăn. Đó không chỉ là mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước mà tôi tin rằng, đó cũng là mong muốn của đông đảo bạn đọc.
- Cùng với sự phát triển của báo chí nói chung, trong những năm qua, báo chí của ngành TT&TT cũng đã có sự phát triển vượt bậc với đầy đủ các loại hình: báo in, tạp chí, báo điện tử, truyền hình. Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, xin Bộ trưởng có đôi lời chia sẻ với báo chí trong ngành?
Làm báo trong ngành TT&TT vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng phải gánh một trách nhiệm rất nặng nề. Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ TT&TT được Chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước toàn bộ các lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong đó, có những lĩnh vực phát triển rất năng động, cập nhật trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới như viễn thông, CNTT. Vì vậy, làm báo trong ngành này phải thể hiện được tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo của ngành. Vừa phải hoàn thành những trọng trách của báo chí mà Đảng và Nhà nước giao phó lại vừa phải nghiêm túc, gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí, những quy định về đạo đức nghề nghiệp báo chí. Bởi Bộ TT&TT muốn quản lý tốt báo chí cả nước, trước hết phải quản lý tốt báo chí trong ngành.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thành những nhiệm vụ mà Chính phủ đã chỉ đạo báo chí, tôi đề nghị các cơ quan báo chí trong ngành cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành nhằm thúc đẩy việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2013. Trong đó, nổi bật là tuyên truyền thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu 2 doanh nghiệp trực thuộc Bộ là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, tuyên truyền chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT hoàn thành đề án tái cơ cấu để trình Chính phủ phê duyệt. Nhiệm vụ của các cơ quan báo chí trong ngành là truyền thông sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nêu trên về mục đích, yêu cầu, tính tất yếu cũng như những tác động của chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước và việc triển khai của Bộ, qua đó, tạo niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ sự thay đổi, sắp xếp lại tại các doanh nghiệp.
Một nhiệm vụ nữa của các cơ quan báo chí trong ngành là tuyên truyền thúc đẩy việc triển khai thực hiện các đề án quan trọng của Bộ, trong đó, có đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Đây là một đề án có ý nghĩa chiến lược, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 22/09/2010. Bộ TT&TT được giao chủ trì triển khai thực hiện. Những mục tiêu, nhiệm vụ trong đề án nêu trên cũng gắn liền với nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị TƯ 4 về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có hạ tầng thông tin (được ban hành ngày 16/1/2012). Có thể nói việc triển thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và Nghị quyết số 13 Hội nghị TƯ 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thông tin có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để đánh giá những đóng góp của ngành TT&TT, với vai trò là “hạ tầng của mọi hạ tầng” vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra là đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thời gian cho việc thực hiện mục tiêu đó không còn nhiều nhưng việc triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ vừa nêu vẫn chưa có những kết quả và chuyển biến rõ nét. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí nhằm tạo bước chuyển về nhận thức, thúc đẩy những chương trình hành động cụ thể.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo báo Bưu điện Việt Nam