(BVPL) - Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung chung, phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành… PV báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội (thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) vào Dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi.
 


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Dự thảo Bộ luật TTHS đã quán triệt được các nghị quyết của Đảng nhấn mạnh cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; đồng thời, yêu cầu cải cách nhiều nội dung cụ thể khác của tố tụng hình sự và đã tuân thủ Hiến pháp 2013.

Tôi tán thành với việc dự thảo quy định thay đổi thủ tục cấp giấy xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn: trong thời hạn 12 giờ, đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với bị can, bị cáo kể từ khi có đề nghị của người bào chữa và họ xuất trình đủ giấy tờ theo luật định thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công thụ lý chính đối với vụ án phải cấp Giấy đăng ký người bào chữa cho họ.

Trong trường hợp  đặc biệt, tôi tán thành như dự thảo về việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt. Về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định cụ thể các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong Dự thảo như: Theo dõi bí mật;  Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật;  Thu thập bí mật dữ liệu điện tử; Sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Luật tố tụng hình sự của hầu hết các nước đều quy định những biện pháp này. Những biện pháp tố tụng đặc biệt này rất cần thiết đối với các loại tội phạm như: Tham nhũng, khủng bố, rửa tiền, ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia. Và các trường hợp tố tụng đặc biệt này, phải có ý kiến và giám sát của Viện kiểm sát.
 

Nhóm PVPL (lược ghi)

.