(BVPL) - Hiện nay, trên cả nước có 1.237 dự án thủy điện. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các dự án thủy lợi, thủy điện thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy. Sau khi rà soát, Bộ Công thương đã đề xuất loại bỏ 338 dự án, không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng. Riêng đối với các dự án còn lại chưa khởi công hoặc mới khởi công xây dựng ở giai đoạn đầu thì Bộ yêu cầu các tỉnh tiếp tục loại khỏi quy hoạch 67 dự án và 3 vị trí tiềm năng, đồng thời tạm dừng và chỉ cho phép đầu tư xây dựng từ sau năm 2015 đối với 117 dự án và tiến hành điều chỉnh quy hoạch 146 dự án thủy điện nhỏ cùng 13 dự án thủy điện bậc thang.

 


Báo cáo mới đây nhất của Bộ NN&PTNT khẳng định, thực trạng đời sống của các hộ dân tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện còn nhiều điểm đáng quan ngại. Thu nhập bình quân của các hộ hiện nay ở mức rất thấp, trung bình 7,1 triệu đồng/người/năm. Riêng tại khu vực tái định cư dự án Thủy điện Cửa Đạt, An Khê KaNak, con số này thậm chí chỉ ở mức 4,2 triệu/người/năm; dự án Sông Tranh II 4,5 triệu đồng/người/ năm; dự án Đồng Nai 3 là 5,5 triệu đồng/người/năm.

Theo báo cáo, tỉ lệ hộ nghèo bình quân tại các vùng tái định cư để thực hiện dự án thủy điện tại các tỉnh, thành trên cả nước ở mức rất cao, chiếm 36,6%, cao gấp gần 4 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước năm 2012. Cá biệt, tại vùng dự án thủy điện Tà Cọ (Sơn La), con số này thậm chí chạm mức 100%, kế đến là dự án thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) 89,6%, dự án thủy điện Đồng Nai 3 là 60,28%, dự án thủy điện Khe Bố (Nghệ An) 60%...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu thống nhất và thay đổi liên tục trong chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; việc thu hồi đất, cấp đất sản xuất diễn ra còn chậm làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sinh kế của người dân. Việc chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề cho người dân chưa được các cấp chính quyền cũng như các nhà đầu tư quan tâm đúng mức.

Hiểm nguy rình rập

Do đều được xây dựng tại các khu vực hiểm trở, khó khăn về địa lý cùng sự giám sát, kiểm tra lỏng lẻo của các ngành chức năng từ giai đoạn khảo sát đến thi công và vào hoạt động nên chất lượng của hầu hết các công trình thủy điện hiện nay thực sự có vấn đề. Hậu quả là thời gian qua đã có nhiều công trình bị vỡ, gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai rạng sáng ngày 12/6/2013. Đây là công trình thứ hai trong vòng nửa năm và là thứ ba trong vòng 2 năm qua trên địa bàn Tây Nguyên xảy ra sự cố nghiêm trọng. Theo ước tính, vụ vỡ đập này đã gây tổng thiệt hại về cây trồng, hoa màu của người dân trong khu vực là 3,6 tỷ đồng. Thế nhưng, phải rất lâu sau, người dân chịu ảnh hưởng bởi sự cố này mới nhận được những đồng tiền đền bù “nhỏ giọt” của chủ đầu tư.

Trước đó, khoảng giữa tháng 6/2011, đường ống dẫn nước thủy điện Đạm Bol (Lâm Đồng) bị vỡ cũng đã khiến một em bé tử vong và 3 mẹ con bị thương. Đặc biệt sự cố đáng tiếc của vụ vỡ đập thủy điện Đăk Rong 3 đầu tháng 10/2012 đã gây thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Khoảng cuối tháng 11/2012, công trình thủy điện Đăk Mek 3 nằm dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cũng gặp sự cố tương tự khiến 1 người chết và một người bị thương. Mới đây, ngày 1/10, 2 hồ đập lớn nhất huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cũng bị vỡ do ảnh hưởng của bão khiến hàng trăm ngôi nhà bị nhấn chìm… Những sự cố đáng tiếc này xảy ra đã đặt những nghi vấn về chất lượng của những công trình thủy điện này. Phải chăng, do thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng nên các công trình này đã bị “bớt xén” nguyên vật liệu, dẫn đến chỉ một sự va chạm nhẹ của chiếc xe tải cũng khiến cả một con đập được xây dựng “kiên cố” dài hàng chục mét đổ sụp như sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3; hoặc chỉ một cơn mưa kéo dài làm tích nước tràn lên trên cửa đập chính gây vỡ đập như vụ vỡ đập thủy điện Đăk Rong 3.

Thời gian tới, liệu rồi đập thủy lợi, thủy điện nào sẽ gặp phải những sự cố ngoài ý muốn như trên; Và để đối phó và hạn chế những thiệt hại không đáng có, các ngành chức năng, các chủ đầu tư cần làm gì và sẽ làm gì?; Trách nhiệm của các ngành chức năng và chủ đầu tư như thế nào khi xảy ra sự cố?… là những câu hỏi mà người dân sống ở các vùng có công trình thủy điện đang chờ đợi câu trả lời.
 

Quán Anh

.