Từ “dấu vết” số gỗ ở bờ sông, phát hiện 37 “lâm tặc”

Là một trong những cán bộ được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và xét xử vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nói trên, đồng chí Dương Minh Xuân, Kiểm sát viên VKSND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra ngay sau khi được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ. Thông qua quá trình kiểm sát điều tra giải quyết vụ án, đã phát hiện thêm hành vi phạm tội và nhanh chóng đấu tranh quyết liệt đến cùng.

leftcenterrightdel
 Các bị can trong vụ phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Theo lời kể của Kiểm sát viên Dương Minh Xuân, vào ngày 14/11/2020, Trạm kiểm lâm số 5 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép. Sau 2 ngày khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định 81 cây gỗ bị cắt hạ (trong đó có 78 cây gỗ căm xe, 1 cây bằng lăng và 2 cây gáo vàng) đường kính từ 35-60 cm. Số gỗ tại hiện trường qua đo đạc, kiểm đếm có khối lượng là 41,6m3.

Vụ án tưởng chừng không thể xác định, truy bắt được đối tượng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày đêm lặn lội, truy tìm dấu vết còn sót lại giữa những cánh rừng hiểm trở, rộng lớn, các Điều tra viên và Kiểm sát viên đã lên rất nhiều kế hoạch xác minh, truy bắt bằng được đối tượng phá rừng.

leftcenterrightdel
  Kiểm sát viên VKSND huyện Ea Kar kiểm sát việc thi hành các quyết định tố tụng để khởi tố, bắt tạm giam các bị can.

Nói đến đây, đồng chí Dương Minh Xuân khẳng định: “Ngay từ đầu, tôi đã xác định đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Hoạt động khai thác gỗ xảy ra sát bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển, các đối tượng phạm tội với số lượng đông, có tổ chức. Mặt khác, từ những vật dụng thu được tại hiện trường, Kiểm sát viên đã kịp thời yêu cầu Điều tra viên mở rộng hiện trường để tìm kiếm các dấu vết các đối tượng để lại tại hiện trường trong quá trình vận chuyển về nơi tập kết. Kết quả, đã thu được nhiều dấu vết, tang vật của vụ án”.

Nhờ có sự chủ động ngay từ đầu nên trong quá trình điều tra, xác minh, Kiểm sát viên Dương Minh Xuân và lãnh đạo VKSND huyện Ea Kar đã trao đổi, phối hợp nhịp nhàng với Cơ quan điều tra. Theo đó, cùng hội ý phân tích đánh giá và đề ra phương hướng xác minh, đồng thời nhận định nhóm đối tượng đến khai thác gỗ là người ở địa phương khác.

Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên nhanh chóng xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh và ban hành nhiều yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm. Bên cạnh đó, thực hiện việc phối hợp cùng Điều tra viên xác minh tại các địa điểm cần thiết; tiến hành xác minh, làm việc với những người có phương tiện có thể vận chuyển gỗ trong khu vực.

leftcenterrightdel
  Các bị can thực nghiệm lại hiện trường cưa hạ cây gỗ rừng.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, các cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng sử dụng xe để chở số gỗ ở bờ sông chính là số gỗ đã khai thác ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Cũng từ thông tin mà đối tượng chở gỗ khai nhận, Kiểm sát viên đã yêu cầu thu giữ điện thoại để tiến hành kiểm tra và yêu cầu nhà mạng cung cấp các số điện thoại trong thời gian xảy ra vụ khai thác gỗ. Nhờ vậy, các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và các vấn đề có liên quan đều được thu thập một cách đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục.

Từ những kết quả điều tra ban đầu, ngày 22/12/2020, cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Ngay sau đó, liên ngành Công an - Viện kiểm sát đã đề ra nhiều hướng đấu tranh để nhanh chóng truy bắt các đối tượng.

Thời điểm này, Viện kiểm sát đã ban hành tổng cộng 10 yêu cầu điều tra với nhiều nội dung có chất lượng và được Cơ quan CSĐT tiếp thu, thực hiện. Với phương châm “tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, Kiểm sát viên Dương Minh Xuân được phân công nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với Điều tra viên để làm việc với các đối tượng bất kể ngày hay đêm.

leftcenterrightdel
      Kiểm sát khám nghiệm hiện trường các đối tượng vận chuyển gỗ bằng đường sông.

Kết quả, sau 4 tháng điều tra, xác minh bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã xác định được 2 nhóm, với 38 đối tượng (đều trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Trong đó, Lê Mô Y Cum (tên thường gọi Ma Khanh, trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) được xác định là đối tượng “cầm đầu” nhóm “lâm tặc” trong suốt quá trình khai thác gỗ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10/2020 đến đầu tháng 11/2020, các đối tượng đã cùng nhau chuẩn bị dụng cụ cưa tay, dây dù, bao xác rắn, túi bóng…, vào các tiểu khu 622, 618 của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (thuộc xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) để khai thác gỗ căm xe.

Khai thác xong, các đối tượng đã đóng đinh, gắn túi bóng khí để gỗ nổi lên mặt nước rồi cùng nhau đưa gỗ vượt qua sông. Sau đó, thuê người có xe máy cày độ chế tời, đến bờ sông trục vớt gỗ và đưa về nơi tập kết để sơ chế thành các trụ lục lăng đề ba cầu thang, rồi bán được hơn 100 triệu đồng, chia nhau tiêu xài cá nhân.

Khi hành vi phạm tội của nhóm “lâm tặc” đã được làm rõ, ngày 26/4/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar ra quyết định khởi tố 37 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. 

Lộ diện cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho “lâm tặc”

Chưa dừng lại ở kết quả trên, quá trình mở rộng điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên tiếp tục xác minh và phát hiện nhiều tình tiết bất ngờ. Theo đó, trong quá trình thực hiện khai thác gỗ trái phép, có 34 đối tượng đã thống nhất, mỗi người sau khi khai thác gỗ về bán sẽ trích lại 1,2 triệu đồng đưa cho Lê Mô Y Cum để “chung chi” cho Hoàng Công Ý (lúc này là Trạm trưởng Trạm 3 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) nhằm mục đích khai thác gỗ không bị bắt.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Dương Minh Xuân và Điều tra viên phối hợp lấy lời khai bị can Hoàng Công Ý (Trạm trưởng Trạm 3, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô).

Sau đó, Hoàng Công Ý đã nhận từ Lê Mô Y Cum sau hai chuyến làm gỗ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô là 35 triệu đồng thông qua Hoàng Công Nhật (em trai của Ý; trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Sau đó, Hoàng Công Nhật cũng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.

Trên cơ sở này, cơ quan chức năng xác định, 34 bị can trên đã đồng phạm với Lê Mô Y Cum về tội “Đưa hối lộ”. Vì vậy, ngay sau khi Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar ra quyết định khởi tố bổ sung 34 bị can thì VKSND cùng cấp đã nhanh chóng phê chuẩn các quyết định này.

Đáng nói, để nhóm “lâm tặc” khai thác gỗ trót lọt, Hoàng Công Ý đã trao đổi với đồng nghiệp của mình là Vương Thế Cao (lúc này là Trạm phó Trạm 5 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) về việc để nhóm Lê Mô Y Cum vào khai thác gỗ. Nghe vậy, Vương Thế Cao đồng ý. Sau khi nhận được tiền từ Lê Mô Y Cum, Hoàng Công Ý đã đưa cho Vương Thế Cao tổng số tiền 4 triệu đồng.

Ngay khi kết thúc điều tra, VKSND huyện Ea Kar đã kịp thời yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung các tài liệu, chứng cứ để hoàn thành hồ sơ truy tố. Đồng thời, trước khi ra quyết định truy tố, Kiểm sát viên đã thận trọng trực tiếp hỏi cung, phúc cung các bị can để củng cố tài liệu, chứng cứ nhằm tránh gây oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đến nay, vụ án đã khép lại bằng hình phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với từng đối tượng. Theo đó, Tòa án đã tuyên phạt Hoàng Công Ý 7 năm 6 tháng tù; Hoàng Công Nhật 5 năm 3 tháng tù, Vương Thế Cao 3 năm 6 tháng tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Bên cạnh đó, 37 bị cáo còn lại cũng nhận mức án thích đáng từ 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 10 năm tù về 2 tội “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Trong đó, bị cáo Lê Mô Y Cum bị tuyên phạt 10 năm tù về hai tội danh trên.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Dương Minh Xuân (ngoài cùng bên phải) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.

Kiểm sát viên Dương Minh Xuân chia sẻ: “Thông qua quá trình kiểm sát vụ án, ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát đã thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong kiểm sát khởi tố vụ án, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; nắm chắc và kiểm sát chặt chẽ tiến độ lập hồ sơ vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Không chỉ vậy, kịp thời đề ra những yêu cầu điều tra có chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn giải quyết vụ án, đồng thời đã chủ động tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định. Nhờ vậy, quá trình giải quyết vụ án được thuận lợi và đạt kết quả cao”.

Từ vụ án nói trên, hiện VKSND huyện Ea Kar đang tổng hợp nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm hủy hoại rừng ở địa phương gây bức xúc trong nhân dân. Đồng chí Dương Minh Xuân cho biết, trong thời gian tới, VKSND huyện Ea Kar sẽ kiến nghị cấp ủy Đảng hoặc kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp chỉ đạo, phòng ngừa vi phạm và tội phạm trên địa bàn huyện, qua đó phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND.

Đánh giá về hành vi phạm tội của 2 cán bộ kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô là Hoàng Công Ý và Vương Thế Cao, Kiểm sát viên Dương Minh Xuân cho biết, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, Hoàng Công Ý và Vương Thế Cao đều là những công dân tốt. Trong đó, Vương Thế Cao là người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng đặc biệt khó khăn, trải qua 13 năm công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và từng bị “lâm tặc” bắn gây thương tích 25% vào năm 2008.

Tương tự, Hoàng Công Ý cũng đã công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô suốt 20 năm qua và đã có nhiều đóng góp được các cơ quan chức năng ghi nhận, đánh giá cao.

Thế nhưng, với vai trò là Trạm trưởng và Trạm phó có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, 2 cán bộ này đã mềm lòng trước những cám dỗ của đồng tiền. Theo đó, vì động cơ tư lợi cá nhân nên cả 2 cán bộ không làm hết trách nhiệm được giao, lợi dụng việc được phân công nhiệm vụ đã nhận tiền “chung chi” để tiếp tay cho nhóm “lâm tặc” ồ ạt vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn, trực tiếp xâm phạm đến các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, xâm phạm đến môi trường, cảnh quan, tài sản của Nhà nước.

Để rồi, những hành vi sai trái đó đã khiến cho cả 2 cán bộ kiểm lâm phải trả giá đắt bằng một bản án nghiêm khắc của pháp luật. Không chỉ vậy, hành vi phạm tội của 2 cán bộ này cũng khiến nhiều người thân, đồng nghiệp không khỏi tiếc nuối cho cả một quá trình dày công phấn đấu, nỗ lực./.

Nguyễn Chính