Chùa Hang nằm trên triền núi, cách mặt đất khoảng 300m. Đường lên núi tuy dốc cao và hơi đứng, nhưng rất dễ đi bởi những bậc thang được xây bằng đá khối. Để tiện cho du khách tham quan, lễ phật, phía bên phải đường lên chùa có bố trí sơ đồ hướng dẫn 44 điểm trong khuôn viên chùa, như: Chánh điện; tây phương tam thánh điện; đường hang dũng mãnh; linh sơn điện; từng bước nở hoa sen; hồ liên trì hải hội; sân tiên; tàng kinh các… Do không quen leo núi, nhiều du khách, phật tử đứng nghỉ mệt, hít thở không khí trong lành. Tranh thủ lúc nghỉ chân, nhiều bạn trẻ tạo dáng chụp hình selfie bên những đóa huỳnh liên vàng rực rỡ.

 

Năm 1980, chùa Hang (Phước Điền tự) được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia
Năm 1980, chùa Hang (Phước Điền tự) được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia
 
Trong hoa viên chùa có hồ hoa súng, xung quanh trồng nhiều loại hoa tạo nên không gian xanh, xen lẫn những đóa hoa trắng, vàng, đỏ... Nơi đây có am thờ tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và 4 vị hộ pháp đứng nhìn về phía dưới chân núi. Phía trước chùa có 2 ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên triền núi. Phía dưới là bảo tháp của hòa thượng Thích Huệ Thiện, phía trên là bảo tháp của bà Thợ (người có công lập chùa) được xây dựng năm 1899. Trước bảo tháp của bà Thợ là mộ thầy Phán Thông (tên thật là Nguyễn Ngọc Cang), người có công trùng tu chùa lần đầu tiên.
 
Tương truyền, chùa Hang do bà Thợ (tên thật là Lê Thị Thơ, sinh năm 1818, Mậu Dần) lập nên. Sau khi lập gia đình, do cảnh đời ngang trái, bà Thợ từ bỏ cuộc sống đời thường, nương tựa nơi cửa phật tại Tây An tự, xin quy y với pháp danh Diệu Thiện. Sau thời gian tu tại chùa Tây An, do nơi đây có nhiều người lui tới, bà Thợ đi tìm nơi yên tĩnh, vắng người để tu hành. Đi về phía Tây núi Sam, bà Thợ gặp một hang sâu, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am bằng tre, lá làm nơi tu hành. Cạnh am bà Thợ tu có một hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to, hung tợn. 
 
Thế nhưng, từ khi bà Thợ đến tu, hàng ngày được nghe kinh phật nên đôi mãng xà trở nên hiền lành, không hại người và thường đến am bà Thợ nghe kinh, ăn đồ chay, trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ chốn tu hành. Bà Thợ đặt tên đôi mãng xà là Thanh Xà, Bạch Xà. Ngày 15-6, năm Kỷ Hợi (1899), sư nữ Diệu Thiện viên tịch, thọ 81 tuổi. Di ảnh của bà vẫn còn lưu giữ trong chùa với gương mặt phúc hậu, nhân từ. Sau khi bà Thợ qua đời, đôi mãng xà bỗng dưng biến mất.

 

Du khách lễ phật, khám phá hang trong Phước Điền tự
Du khách lễ phật, khám phá hang trong Phước Điền tự
 
Để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín chỉ còn lối đi vào cửa, sâu khoảng 10m, trông âm u, huyền bí; bên trong thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát. Năm 1885, do cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông Phán Thông và Nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: Nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói… và mang tên Phước Điền tự, nhưng dân gian vẫn gọi là chùa Hang. Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904-1990) trùng tu chùa lần thứ 2. 
 
Vào đời trụ trì thứ 3, Hòa thượng Thích Thiện Chơn tiếp tục trùng tu, xây dựng hoàn thiện chùa. Hiện nay, mặt tiền chùa và chánh điện đã được xây dựng khang trang. Chính điện được bài trí tôn nghiêm, có hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo. Từ sân chùa, khách thập phương có thể nhìn cảnh núi non, ruộng đồng bát ngát. Bên cạnh các gian thờ tự, chùa còn các công trình khác dành cho du khách nghỉ chân hoặc làm nơi tu học và sinh hoạt của các sư.
 
Sau khi lễ phật, tham quan chùa, nhiều du khách, phật tử chọn “Sân tiên” làm nơi nghỉ chân lý tưởng để tận hưởng không gian thoáng đãng, ngắm nhìn đất trời bao la. Bồng con gái 4 tháng tuổi trên tay, anh Nguyễn Văn Thật (ở TX. Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Đây là lần thứ 4, anh và gia đình chọn chùa Hang là điểm đến cho cả nhà vào dịp lễ, tết, rằm lớn. Vì nơi đây có không gian thoáng mát, thanh tịnh. Trước là đi chùa lễ phật, sau là đi cúng Bà Chúa Xứ để cầu gia đạo bình an, hạnh phúc, trúng mùa, được giá; rồi dạo một vòng chợ Châu Đốc mua sắm”. 
 
Vừa giơ tay tận hưởng gió trời, vừa tạo kiểu chụp hình, bạn Phan Mai Trang (22 tuổi, ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Lần đầu tiên em đến đây. Nhận xét của em chỉ một chữ: Tuyệt! Cảnh đẹp, chùa đẹp với nét cổ kính, không gian thanh tịnh, thoáng mát. Đứng ở chùa có thể thấy ruộng đồng mênh mông, bát ngát; những ngôi nhà, con đường xa xa trông nhỏ xíu...  Có thể nói, ngoài miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thì đây là điểm du lịch tâm linh lý tưởng cho mọi người khi đến TP. Châu Đốc”.
 
 Theo Thu Thảo (Báo An Giang)