TP.HCM hiện có hàng trăm làng nghề thủ công khác nhau. Những làng nghề truyền thống với thế mạnh chính là những sản phẩm thủ công độc đáo được làm nên từ bàn tay tài hoa của những người thợ được truyền từ bao thế hệ. Nhưng để gắn kết các làng nghề với những tour du lịch cần có sự đột phá từ các cơ quan chức năng.
 
 
Gắn kết làng nghề và phát triển du lịch
 
Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng bộ môn Văn hóa ứng dụng Trường Đại học KHXH-NV TP.HCM cho biết, làng nghề và những giá trị văn hóa thể hiện trong chính những sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Đó chính là nơi kết tinh của những thành quả sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân dựa trên nguồn nguyên liệu truyền thống có sẵn hoặc tái tạo kết hợp vốn tinh hoa tri thức dân gian và kỹ năng tay nghề. Cũng theo tiến sĩ Huỳnh quốc Thắng, sức sống cho sự phát triển của làng nghề chính là không gian văn hóa phi vật thể của làng nghề. Đó chính là những nếp sinh hoạt cộng đồng như tín ngưỡng, lễ hội, phong tục mà mỗi tập thể làng nghề trong quá trình sinh sống đã hình thành nên và gìn giữ như một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, dân tộc cũng như bản thân làng nghề.
 
Theo tiến sĩ Ngô Thanh Loan, Trưởng bộ môn du lịch, Trường KHXH-NV TP.HCM, phát triển du lịch làng nghề chính là góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, bởi lẽ du lịch làng nghề không chỉ giúp mở rộng thị trường theo cách “ xuất khẩu tại chỗ”, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn, chính nó phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề một cách tích cực.
 
Theo Người tiêu dùng
.