Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết: tháng 2/2022 sau khi Thanh Hóa có logo và slogan, ngành du lịch tỉnh nhà tích cực quảng bá “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, thông qua 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức trong tỉnh và nhiều hoạt động, hội chợ du lịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022.
Theo đó, hàng loạt các sự kiện được tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như: lễ hội Lê Hoàn (Thọ Xuân); lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn); lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái (Sầm Sơn); chương trình Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2022; khai trương du lịch Thác Mây (Thạch Thành); lễ hội du lịch biển Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn); lễ hội du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa)...
Thanh Hóa đã đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao như: các giải bóng bàn, giải cầu lông gia đình toàn quốc; giải đua xe đạp địa hình vô địch trẻ quốc gia; hội thao quần vợt bãi biển toàn quốc; giải bóng đá bãi biển vô địch quốc gia năm 2022...
Thanh Hóa đã kích cầu du lịch Thanh Hóa trên phạm vi cả nước. Như: khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2022 với chủ đề “Bình thường mới - Cơ hội mới” tổ chức tại Hà Nội; Tuần lễ Văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn; ngày văn hóa Ấn Độ tại tỉnh Thanh Hóa...
|
|
Đại lộ Lê Lợi nổi bật trong ánh đèn đêm. |
Thanh Hóa đã tích cực tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá logo và slogan thương hiệu du lịch thông qua việc đặt hàng sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm gắn bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh truyền thông “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương, trên website và nền tảng số; tổ chức và tham gia tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Thanh Hóa bằng cả hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang được tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch VinGroup, SunGroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG...
Một số tập đoàn kinh tế đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn, như: Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn Vincom, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường, dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En, Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên, Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân... Qua đó, tạo bước đột phá về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá đã tổng kết 9 tháng hoạt động du lịch trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả cho thấy: năm 2022 du lịch Thanh Hóa đã vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể: đón trên 10,3 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là gần 110.000 lượt khách), đạt gần 104% kế hoạch, tổng thu trong 9 tháng đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 106,4% kế hoạch năm 2022.
|
|
Vẻ đẹp trong xanh trên bãi biển Sầm Sơn |
Trong đó, riêng Thành phố Sầm Sơn đã đón được hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13.000 tỷ đồng, gấp 4,97 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 173% kế hoạch năm 2022 đề ra.
Đáng nói, Thanh Hóa đã có nhiều điểm du lịch thu hút số lượng lớn du khách đến từ Hà Nội và các địa phương lân cận. Để có được kết quả trên, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch vào ngày 15/3/2022. Theo đó, Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong tình hình mới, đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch tại những địa phương, thành phố trọng điểm về du lịch.
Hơn nữa, từ năm 2020 Thanh Hóa đã liên kết du lịch “Ninh Bình – Thanh Hóa” Thể hiện qua việc thực hiện nhiệm vụ liên kết 4 tỉnh Bắc Trung Bộ; phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch 3 địa phương 1 điểm đến (Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh) trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2022; phối hợp với các tỉnh Bắc Miền Trung đón đoàn famtrip khảo sát, xây dựng hành lang du lịch an toàn; tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đón đoàn khách MICE gần 2.000 người; tuyên truyền, quảng bá du lịch trên nền tảng số; thực hiện chiến dịch quảng bá “Thanh Hoá - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”…
Khi du lịch ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế như là một trong những ngành kinh tế hàng đầu thúc đẩy phát triển, thì việc đầu tư cho du lịch với chiến lược và tầm nhìn phù hợp càng trở nên cấp thiết. Để “rộng đường phát triển” tỉnh Thanh Hóa đã đề ra hàng loạt chính sách, đề án, dự án, kế hoạch phát triển du lịch, điển hình là đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030”; đề án “Truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020”; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Chắc chắn du lịch Thanh Hóa sẽ phát triển bền vững - Ông Phạm Nguyên Hồng khẳng định.