Dù còn hơn 80 ngày nữa mới đến Tết Dương lịch, đây cũng là thời điểm Đà Lạt tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng…, song làng hoa truyền thống Thái Phiên (Phường 12, Đà Lạt) đã “rộn ràng” không khí trước mùa hội lớn…


60 năm hình thành Làng hoa

Làng hoa Thái Phiên hiện nay trở thành làng hoa truyền thống nổi tiếng của Đà Lạt và ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết tên nhờ sản lượng và nhiều chủng loại hoa cao cấp chiếm lĩnh thị trường. Song, để có được “thương hiệu” này, Thái Phiên đã trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển gắn với lịch sử hình thành của các làng, ấp của Đà Lạt. Trước năm 1945, Thái Phiên chỉ là khu rừng hoang vu là nơi săn bắn của vua Bảo Đại; năm 1954, khoảng 40 hộ dân người Việt ở Lào hồi hương về lại Đà Lạt. Nhận thấy nơi đây có địa hình đồi núi khá bằng phẳng, đất đai tươi tốt, có hồ (hồ Than Thở) đảm bảo nguồn nước sinh hoạt phù hợp việc quy dân, lập làng và sản xuất. Năm 1956, số hộ này đã bầu ông Lê Phương Miễn đại diện trình lên Tỉnh trưởng Lâm Viên lúc bấy giờ xin được lập làng và được chấp nhận - Ấp Thái Phiên hình thành từ đó.

Trong những năm đầu thành lập ấp, nhân dân đã biết trồng rau, hoa, cây ăn trái (cây hồng) đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Những năm sau đó, dân cư từ các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên Huế, Nam - Ngãi - Bình - Phú) lần lượt vào đây lập nghiệp. Cùng với dân số tăng lên, quy mô sản xuất cũng liên tục mở rộng. Đặc biệt, các loại hoa cao cấp có nguồn gốc từ các nước: Pháp, Nhật, Indonesia… như Cúc (hơn 40 giống loài), Cát tường, Lyli, Lys trắng, Cẩm chướng, Xạc-ra, Hoa hồng… được đưa về trồng ngày càng nhiều - bắt đầu hình thành làng hoa Thái Phiên.

Từ năm 1995 đến nay, nông dân Thái Phiên mạnh dạn đầu tư trồng hoa cao cấp theo quy trình công nghệ cao. Có 1.209/1.584 hộ dân trong toàn phường sản xuất nông nghiệp; trong đó 10% số hộ chuyên canh sản xuất hoa với 3.600 lao động (2.700 lao động tại chỗ và 900 lao động làm thuê là người từ các tỉnh miền Bắc vào). Hiện nay, toàn phường 12 có 430 ha đất sản xuất nông nghiệp với 320 ha áp dụng công nghệ cao (nhà kính, nhà lưới, có hệ thống tưới tự động). Ngoài hoa là chủ lực, diện tích cây Atiso chiếm khá lớn 40 ha, cũng là loại cây đặc sản của Đà Lạt đem về nguồn thu đáng kể cho nông dân. Riêng sản lượng hoa cắt cành các loại, làng hoa Thái Phiên đạt 450 triệu cành/năm; doanh thu trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và canh tác các loại hoa cao cấp có giá trị cao, thu nhập của nông dân Thái Phiên tăng lên rất cao. Trên 60% số hộ trong phường có mức thu nhập trung bình từ 200 triệu đồng/năm trở lên, cá biệt có nhiều hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm…

Làng hoa vào hội

Dù khá bận rộn, nhưng ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cũng đã dành thời gian tiếp tôi bằng nụ cười rất thân thiện và cởi mở: Những ngày này, du khách tìm đến Làng hoa Thái Phiên để tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất rất đông…

Để phục vụ Tết Dương lịch, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 diễn ra vào đầu năm 2014, các hộ nông dân trong phường 12 đang xuống giống 30 ha hoa các loại. Trong đó, ngoài các loài hoa Cúc có nguồn gốc nhập ngoại - giống hoa chủ lực của Thái Phiên hiện chiếm hơn 90% sản lượng hoa sản xuất trong toàn phường, nhân dân còn đầu tư các giống hoa cao cấp như Lyli, Cát tường, Cẩm chướng… Bên cạnh những khu đất đang được xuống giống và những luống hoa non tơ, rất nhiều những vườn hoa Cúc, Lyli, Cát Tường… nở bông rực rỡ đang vào mùa thu hoạch. Các hộ dân cho biết, do nhu cầu của thị trường, bà con thường xuyên sản xuất các loài hoa “đặc hữu” xen canh hàng năm để có sản phẩm cung cấp. Đây vừa là biện pháp duy trì mức thu nhập thường xuyên hàng năm và cũng là nghệ thuật “giữ mối” nhằm ổn định “đầu ra” của sản phẩm trên thị thường vốn rất khắt khe như hiện nay…

Làng hoa làng du lịch

Ngày 16/12/2009, làng hoa Thái Phiên được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận “Làng nghề truyền thống”. Từ sự kiện này, lãnh đạo phường 12 đã xây dựng Đề án phát triển làng hoa Thái Phiên giai đoạn 2010 - 2015; trong đó, quy hoạch phân khu làng hoa rất bài bản nhằm phát triển Thái Phiên trở thành làng hoa công nghiệp. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm làng hoa Thái Phiên đón trên 50 đoàn khách trong và ngoài nước; các đoàn khách của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành có sản xuất rau, hoa; sinh viên các trường đại học… về tham quan, nghiên cứu. Trong 9 tháng đầu năm 2013 đã có 30 đoàn khách tham quan làng hoa Thái Phiên.

Hướng tới Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và Festival Hoa 2014, UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo phường đầu tư, tôn tạo đình Thái Phiên (đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) làm trung tâm đón khách tham quan làng hoa. Thành phố hỗ trợ phường 100 triệu đồng và phường vận động nhân dân đóng góp thêm 100 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, tu sửa đình Thái Phiên, bố trí các cụm hoa tươi trên các lối đi… Dịp Festival Hoa Đà Lạt 2014 sắp tới, phường 12 tham gia 3 hoạt động lớn: triển lãm thành tựu nông nghiệp công nghệ cao với 400 chậu hoa Cúc giống ngoại nhập; tham gia trưng bày một gian hàng hoa với các loài hoa đặc hữu và cao cấp của làng hoa Thái Phiên; đón, bố trí khách tham quan làng hoa và đình Thái Phiên…

 

Theo Báo Lâm Đồng

.