Chèo xuồng ba lá trên rạch dừa nước là trải nghiệm thú vị cho du khách.
Chèo xuồng ba lá trên rạch dừa nước là trải nghiệm thú vị cho du khách
 
Nếu nói về thiên nhiên ưu đãi, có lẽ vùng đất này không bằng một vài nơi khác của miền Tây sông nước. Nhưng người làm du lịch đã biết khai thác lợi thế thành điểm mạnh. Đặc biệt là vị thế gần cửa ngõ quốc tế vào Việt Nam, du khách nước ngoài đến Mỹ Tho dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian so với đến các tỉnh khác ở miền Tây.
 
Điểm khởi đầu cho hành trình khám phá “miền Tây sông nước thu nhỏ” tại Mỹ Tho được đặt ở vị trí khá đặc biệt- gần vàm sông Bảo Định. Ít ai ngờ rằng, nơi đây từng có tuyến đường sắt nối liền với Sài Gòn và là tuyến đường sắt đầu tiên của ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia.
 
Nhà ga hiện vẫn còn ở ngay đầu vàm nhưng dấu tích còn lại của đường sắt nay không còn kể từ khi kết thúc sứ mệnh vào năm 1958, sau gần 1/3 thế kỷ tồn tại. Nếu dừng chân lại góc đường ngay đầu vàm này, gặp những người lớn tuổi trò chuyện về đường sắt và vàm Bảo Định mới thấy được vị thế của đất Mỹ Tho trong Nam Kỳ lục tỉnh xưa.
 
Nay không còn là cửa ngõ đi miền Tây nữa, vàm Bảo Định vẫn được khách nước ngoài biết đến là điểm đầu của con kinh đào đầu tiên ở Việt Nam; và người ta vẫn nhớ đó là điểm cuối của tuyến đường sắt dài nhất mà người Pháp xây dựng ở nước ngoài đầu tiên. Dù là ký ức nhưng đó cũng là nguyên  do nhiều du khách đến Mỹ Tho.

 

Du khách hào hứng làm kẹo dừa như trở về với tuổi thơ ngọt ngào.
Du khách hào hứng làm kẹo dừa như trở về với tuổi thơ ngọt ngào
 
Thuyền du lịch là những chiếc vỏ lãi đặc trưng miền sông nước đưa khách chơi vơi từ bờ ra giữa sông Tiền. Chỉ khoảng hơn mười lăm phút vượt sông nhưng cậu bé trai con anh chủ tàu đã nhanh nhẹn giúp khách hiểu về vùng đất này cũng như những địa điểm sắp tới.
 
Dịp cuối tuần, nghỉ hè, cậu hay theo cha đưa khách tham quan. Nghe các hướng dẫn viên khác thuyết minh, cậu học lóm nhưng tỏ ra rất chuyên nghiệp, gây bất ngờ cho cả đoàn. Được chào đón bằng đờn ca tài tử, cả khách Tây và ta đều hào hứng. Đặc biệt, có những em còn rất nhỏ nhưng hát ngọt lịm theo các anh chị, như thể đờn ca tài tử đã ăn vào máu thịt.
 
Trái cây vườn ngọt lịm bày ra bàn cùng trà bánh thay cho trầu cau làm lời chào của người Việt xưa. Sau màn chào bằng đờn ca tài tử, du khách đi ra con rạch nhỏ giữa cồn Lân để đi xuồng ba lá chèo giữa hai hàng dừa nước. Đây là trải nghiệm đầy thú vị mà ở miền Tây không còn nhiều chỗ như thế này.
 
Du khách đông đến mức xuồng khua nhau lách cách, đôi khi “kẹt đường” như trên phố, rất vui. Xuồng đưa khách ra đầu vàm để tiếp tục hành trình sông nước ngắm Tứ Linh (cồn Long – Lân – Quy – Phụng) và cây cầu Rạch Miễu trên sông Tiền, thành quả của ngành giao thông Việt Nam từ học kinh nghiệm người Úc và người Nhật xây hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ.
 
Vỏ lãi cặp bờ Bến Tre là gặp ngay sản phẩm đặc trưng xứ dừa. Trên bếp, chảo kẹo dừa đang sôi và người ta phải khuấy đều tay cho khỏi khét. Gần đó là chiếc bàn gói kẹo của các cô gái xứ dừa trong chiếc áo bà ba mộc mạc.
 
Du khách có thể ngồi vào bàn và tự gói kẹo cho mình như một trải nghiệm. Bởi tuổi thơ của thế hệ 8x trở về trước, không ai không biết đến kẹo dừa; nên lò kẹo dừa trong hành trình này kéo người ta trở về với tuổi thơ ngọt ngào. Điều bất ngờ tiếp theo là những cỗ xe ngựa chạy theo đường làng, vốn gần như mất tích ở Việt Nam.
 
Trong mắt người nước ngoài, xe ngựa kiểu Việt Nam vốn lạ lẫm và thú vị. Còn du khách Việt lại hào hứng vì trước đây chỉ biết xe ngựa qua sách vở, phim ảnh. Xe ngựa đi trên đường làng hiền hòa rồi dừng lại một ngôi nhà vườn xinh xắn. Đó là điểm dừng để khám phá nhà vườn Nam bộ, câu cá, ăn uống. Nếu khách không dùng bữa, chủ nhà vẫn vui vẻ mời trà nước và đưa bằng ghe bầu trở ra vàm sông để tiếp tục hành trình giữa hai bờ dừa nước xanh mượt…
 
Hành trình cứ thế, qua những cồn bãi để du khách trải nghiệm bao cung bậc, cảm xúc đời sống miền sông nước xưa ở “thì hiện tại”- chỉ bằng ghe tàu và xe ngựa. Tour đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lại truyền tải đầy đủ đặc trưng của miền Tây như một thước phim trôi qua mà du khách là những diễn viên trải nghiệm. 
 
Theo Du Miên (Báo Cần Thơ)